Để phòng tránh tốc độ lão hóa của ‘cô bé’, bác sĩ khuyên chị Ngân thay đổi chế độ ăn uống, tăng khẩu phần đậu nành, hải sản... (Ảnh minh họa)
Chị Trần Hạnh Ngân (Quảng Bình) vừa bước qua tuổi 40. 35 tuổi, chị Ngân mới sinh đứa con đầu lòng. Chị không ngờ là 3 năm sau sinh con, chị mất kinh. Ban đầu là việc rối loạn kinh nguyệt. Từ 25, 26 ngày một chu kỳ, sau đó có khi tháng rưỡi chị mới có kinh nguyệt. Khoảng cách giãn dần, số lượng kinh nguyệt ít đi. Và 2 năm sau thì chị mất hẳn kinh nguyệt.
Những ngày đầu rối loạn kinh nguyệt, chị đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán chị rối loạn nội tiết và kê đơn thuốc cho chị. Chị uống xong, tình hình vẫn không cải thiện. Do con còn nhỏ, chồng đi làm xa, chị cũng thấy không phiền hà gì lắm nếu không có “đèn đỏ”. Thế nên, hơn 1 năm sau chị mới đi khám lại.
Lúc này bác sĩ kết luận chị bị teo tử cung, bờ mỏng, chỉ còn lại 2mm. Thế là chưa đến 40 tuổi, chị đã gần như bước vào thời kỳ mãn kinh, luôn ở trong tình trạng “khô ráo”. Song, điều đáng ngại là thời gian gần đây, chồng chị không làm việc xa nhà nữa. Trái với ham muốn hừng hực của anh, chị thờ ơ khiến anh giận dỗi. Chiều anh thì chị đau và “khô hạn” vô cùng. Đôi khi giao hợp xong, chị còn đi tiểu ra máu. Anh thì cho rằng chị đã có người khác.
Thấy vậy, chị nhờ chồng chở đi khám, nhằm giải oan cho mình cũng như tìm cách thay đổi cuộc sống hiện tại. Song do chị để tình trạng mất kinh quá lâu, cơ thể suy giảm việc sản xuất estrogen trong thời gian dài, các mô trong âm đạo trở nên khô, mỏng và teo tóp lại gây tình trạng giao hợp khó khăn, đau đớn, là nguyên nhân dẫn tới viêm nhiễm đường tiết niệu, gây ra khó đi tiểu, tiểu ra máu.
Theo các bác sĩ sản khoa, teo âm đạo thường xảy ra ở thời kì mãn kinh, khoảng hơn 10% phụ nữ mắc phải tình trạng này, song họ ngại đi khám. Với trường hợp chị Ngân, tình trạng này diễn ra hơi sớm. Hầu hết triệu chứng teo âm đạo bắt đầu bằng những hiện tượng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn như đau và ngứa âm đạo. Đôi khi là cảm giác nóng bừng “vùng kín”, đau khi quan hệ. “Vùng kín” dễ bị nhiễm trùng, viêm nhiễm kèm theo bất ổn đường tiết niệu như cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn, tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiểu...
Để phòng tránh tốc độ lão hóa của “cô bé”, không khó chịu khi “giao ban”, bác sĩ khuyên chị thay đổi chế độ ăn uống, tăng khẩu phần đậu nành, hải sản... đồng thời, có thể sử dụng thêm các dụng cụ hỗ trợ cho “chuyện ấy” được tốt hơn, như gel bôi trơn, quá trình dạo đầu cần phải được làm cẩn thận, chu đáo hơn.
Chồng chị Ngân sau khi nghe bác sĩ giải thích đã giải tỏa nghi ngờ của mình và anh đã không vội vàng mà thực hiện tốt hơn khoản “dạo đầu”, đời sống vợ chồng vì thế cũng bớt khúc mắc.