Phát huy tập tục tốt đẹp các DTTS: Bài cuối - Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

PGS.TS Đặng Thị Hoa
28/05/2024 - 15:34
Phát huy tập tục tốt đẹp các DTTS: Bài cuối - Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Đội thi của Hội LHPN tỉnh Cà Mau tham gia Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

Trong các phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS có nhiều tập tục thể hiện sự bình đẳng giới. Để phát huy những phong tục tập quán đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh hiện nay cần có những giải pháp cụ thể.

Nhóm giải pháp về chính sách

- Phát huy vai trò của người có uy tín

Trong cơ cấu xã hội của nhiều dân tộc thiểu số hiện nay, những người trưởng bản, già làng, trưởng tộc... còn giữ vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên đông đảo quần chúng và có tác động tới các quan hệ cộng đồng. Cho nên phải biết sử dụng và phát huy những mặt tích cực của họ, tránh sự mặc cảm thành kiến, nghi kị, từ đó né tránh, gạt bỏ, thậm chí đối lập với họ. Trong một số trường hợp cụ thể, có thể để các cá nhân đó tham gia vào Hội đồng nhân dân, chính quyền, hay các đoàn thể quần chúng". Do vậy, việc bồi dưỡng sử dụng đội ngũ những người có uy tín trong cộng đồng là một giải pháp quan trọng giữ gìn dân chủ cơ sở, đảm bảo ổn định xã hội, phát triển quan hệ dân tộc.

Trong bộ máy quản lý xã hội hiện nay ở các dân tộc, các thiết chế truyền thống như già làng, người có uy tín, trưởng bản… có vai trò quan trọng để điều chỉnh, tiết chế các hành vi, thói quen, cách ứng xử bất bình đẳng giới. Do vậy, với nhóm người có vị trí quan trọng trong cộng đồng, cần có những hoạt động tập huấn, thúc đẩy bình đẳng giới để nâng cao nhận thức cho họ và đồng hành cùng với họ trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở cộng đồng.

Ban hòa giải là một trong những tổ chức quản lý xã hội dựa trên phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số và các tổ chức xã hội hiện nay làm nòng cốt cho việc quản lý xã hội ở cơ sở. Ban hòa giải được xây dựng với vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng gắn liền với nhu cầu tâm lý và phong tục tập quán của các dân tộc. Xây dựng ban hòa giải ở cộng đồng giúp cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới bám sát được nhiều hơn trong đời sống của người dân. Bên cạnh đó, ban hòa giải cũng sử dụng nhiều phong tục tập quán tốt đẹp để giải quyết các mâu thuẫn, định kiến giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Ban hòa giải nên tùy theo đặc điểm của từng dân tộc, từng cộng đồng để bố trí nhân sự phù hợp với phong tục tập quán của tộc người.

- Rà soát, đánh giá các hoạt động triển khai dự án ở cộng đồng

Một số phong tục tập quán truyền thống trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, khai thác các nguồn lợi từ rừng vẫn được đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ và sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn việc phân loại rừng và cách thức giao đất, giao rừng hiện nay đang có tác động đáng kể đến kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, theo cách quản lý truyền thống, vai trò của phụ nữ và nam giới trong quản lý, khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng là khác nhau. Do vậy, cần có sự đánh giá, rà soát các hoạt động của dự án liên quan đến vai trò, vị trí của giới để có kế hoạch triển khai, thực hiện phù hợp.

Với các loại vật nuôi truyền thống, người dân vẫn duy trì các kinh nghiệm xưa cũ nhưng điều đó chỉ có thể thích hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ, với các giống cũ. Việc hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất chăn nuôi dựa vào tri thức địa phương và các tập quán truyền thống có thể hỗ trợ tích cực cho phụ nữ có thêm việc làm, có thêm thu nhập và khẳng định vị trí của họ trong gia đình.

Với một số nghề truyền thống vốn là thế mạnh của phụ nữ, là tập quán sản xuất tích cực có thể triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ theo hướng phát triển mạnh hơn các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với đặc thù của người dân tộc thiểu số, như mây tre đan, thêu ren, chạm khắc,… gắn với thị trường để từng bước tạo thương hiệu riêng. Từ đó tăng thêm vị thế của phụ nữ trong cộng đồng và gia đình.

Phát huy tập tục tốt đẹp các DTTS: Bài cuối - Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới- Ảnh 1.

Đội thi của Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi tham gia Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

- Xây dựng hương ước, quy ước dựa vào các phong tục tập quán tích cực

Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chính sách có thể bằng cách đưa vào hương ước của thôn, bản. Trưởng thôn, bản, các già làng là những người đi đầu trong việc thực hiện hương ước. Việc người dân tự nguyện tham gia thực hiện chính sách được đưa vào hương ước của thôn, bản chính là sự cam kết của người dân tham gia thực hiện chính sách. Các già làng, trưởng thôn, bản là những người người có uy tín chính là hạt nhân của việc tham gia thực hiện hương ước tức là thực hiện chính sách và sẽ đảm bảo chính sách sẽ được thực hiện. Đối với những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội thì tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ, trong những trường hợp cần thiết, chính quyền các cấp phải cưỡng chế nhằm loại trừ chúng ra khỏi đời sống của cộng đồng. Chú trọng đúng mức việc xây dựng hương ước mới, quy ước mới, chuyển hóa dần những phong tục, tập quán không thành văn vào hương ước hay quy ước mới với các nội dung cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới.

Quan tâm tới yếu tố văn hóa của các dân tộc trong việc đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới một cách có hiệu quả nhất. Gắn các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới với hương ước, phong tục, tập quán của người dân nhằm tạo ra sự đồng thuận cao nhất đối với việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Nhóm giải pháp liên quan đến gia đình, cộng đồng

Gia đình luôn là nơi lưu giữ, bảo tồn và giữ gìn nhiều tập quán tốt đẹp của tộc người. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình còn được lưu giữ khá chặt chẽ, có tính giáo dục cao. Các thành viên trong gia đình luôn quan tâm, có trách nhiệm giúp đỡ nhau và hỗ trợ nhau cùng làm ăn kinh tế, hòa thuận nuôi dạy con cái. Do vậy, trong các quy ước, hương ước cần nhấn mạnh hơn vai trò của cha mẹ, người cao tuổi trong định hướng giáo dục con cháu về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, tăng cường các mối quan hệ trong gia đình hướng tới xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc.

Thôn bản thường xuyên tổ chức các buổi họp cộng đồng để đánh giá, khen thưởng kịp thời các hành vi, việc làm tốt trong đời sống sinh hoạt thường ngày để nêu gương và khuyến khích những tấm gương tốt. Từ đó tạo dựng phong trào thúc đẩy bình đẳng giới từ trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày của gia đình và cộng đồng.

Cần khuyến khích xây dựng nhà truyền thống, nhà văn hóa tại mỗi thôn bản, đồng thời có chính sách về việc sưu tầm, thu mua và lưu giữ một số giá trị văn hóa vật thể truyền thống: Các nhạc cụ dân tộc, các loại sách văn học, nghệ thuật cổ của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng và Thái nói riêng cũng như của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung... để phổ biến những phong tục tập quán tốt đẹp, trong đó có các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới.

Phát huy tập tục tốt đẹp các DTTS: Bài cuối - Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới- Ảnh 2.

Đội thi của Hội LHPN tỉnh Sơn La tham gia Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

 

Nhóm giải pháp liên quan đến Hội Liên hiệp phụ nữ

Chính sách bình đẳng giới đối với DTTS cần nhìn nhận từ quan điểm động trong phát triển, nghĩa là cần phải phát huy nội lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, hỗ trợ và giúp đỡ họ không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực, bị tách biệt xã hội mà vươn lên, tự chủ trong cuộc sống của mình. Phụ nữ dân tộc thiểu số cần được hưởng lợi trong quá trình phát triển từ những quyền được tiếp cận thông tin, quyền được hưởng các hỗ trợ của nhà nước, của xã hội và của cộng đồng, được tiếp cận một cách đầy đủ các dịch vụ thiết yếu trong đời sống xã hội như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội. Do vậy, trong các hoạt động của tổ chức hội từ cơ sở, cần tổ chức các hoạt động cụ thể để thu hút sự tham gia của phụ nữ. Dựa trên một số phong tục, tập quán của từng dân tộc để xây dựng kế hoạch và hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Chẳng hạn các hoạt động của tổ liên gia, tổ vay vốn,… cần lồng ghép các nội dung sinh hoạt về văn hóa gia đình, giáo dục con cái, vai trò, vị thế của phụ nữ trong bối cảnh văn hóa tộc người.

Trên cơ sở tính đến những khác biệt giữa các nhóm DTTS có trình độ phát triển khác nhau, giữa các nhóm sống ở vùng thấp và vùng cao, giữa các nhóm phụ hệ và mẫu hệ, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ và các cấp cần xác định hệ thống các vấn đề cơ bản về giới ở các lĩnh vực tham gia chính trị, giáo dục, lao động-việc làm, chăm sóc sức khỏe, đời sống gia đình, và bạo lực trên cơ sở giới. Đó là những vấn đề cấp bách về giới, đòi hỏi được quan tâm với các biện pháp thúc đẩy cụ thể nhằm giảm khoảng cách giới và tăng cường bình đẳng nam nữ dựa vào các phong tục tập quán tích cực và đặc trưng văn hóa tộc người của từng tộc người. Các dự án, chương trình thực hiện do Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng về các đặc trưng văn hóa tộc người, những rào cản và thuận lợi trong việc triển khai các dự án dựa vào phong tục tập quán của các tộc người khác nhau.

Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, các phong tục, tập quán của các dân tộc đều có tác động nhất định tới phát triển kinh tế-xã hội. Một số phong tục, tập quán tích cực tác động thúc đẩy bình đẳng giới đã tạo nên cuộc sống hài hòa, ổn định, bảo vệ sự phát triển của người phụ nữ, thúc đẩy sự chia sẻ, hỗ trợ nhau trong đời sống. Nhiều phong tục tập quán trong lao động, sản xuất, trong đời sống hôn nhân và gia đình có tác động đáng kể đến xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển.

Phát huy tập tục tốt đẹp các DTTS: Bài cuối - Một số giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới- Ảnh 3.

Đội thi của Hội LHPN tỉnh Đăk Lăk tham gia Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS - tháng 3/2024.

 

Một số kiến nghị

Để triển khai các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, cần có những đánh giá, khảo sát cụ thể đối với từng nhóm tộc người, từng tộc người tùy theo mục tiêu, nội dung hoạt động của dự án. Trên cơ sở khảo sát và đánh giá thực tiễn về các phong tục tập quán tốt đẹp, có thể làm cơ sở để xây dựng các hoạt động của dự án để lồng ghép các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

Các cấp Hội phụ nữ ở từng địa phương cần có những đánh giá cụ thể, chi tiết về bối cảnh văn hóa, đặc trưng văn hóa của từng tộc người để xây dựng các hoạt động cụ thể của dự án, phù hợp với phong tục tập quán tộc người. Có thể phát huy được các giá trị tốt đẹp trong văn hóa tộc người như các giá trị của gia đình, giáo dục nhân cách đạo đức, các tập quán tốt đẹp trong tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, các phong tục tập quán liên quan đề cao vai trò, vị thế của người phụ nữ….

Lồng ghép các hoạt động sinh hoạt của các cấp hội phụ nữ với các chủ đề phát huy các giá trị của gia đình, dòng họ, các tập tục tốt đẹp ở từng địa phương để tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Hỗ trợ và phát huy, nhân rộng các mô hình có lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong tuyên truyền, giáo dục ở cộng đồng. Ví dụ, với các tấm gương điển hình về làm kinh tế gia đình, phát triển sản xuất có lồng ghép các tập quán, thói quen nổi bật có yếu tố bình đẳng giới. Khuyến khích các nhóm hội phụ nữ thu hút chị em phụ nữ tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng làm thay đổi nhận thức và phát huy nguồn nội lực của phụ nữ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ.

Tăng cường phối hợp với các cấp địa phương, cán bộ văn hóa trong xây dựng hương ước, quy ước ở thôn bản nhằm tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số phát huy hơn nữa các phong tục tập quán tích cực trong gia đình, cộng đồng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về những nội dung có liên quan đến bình đẳng giới được biểu hiện trong một số phong tục tập quán để phát huy hơn nữa tính tích cực và có thể vận dụng, áp dụng vào các hoạt động thực tế.

Tài liệu tham khảo

- Báo cáo tổng hơp dự án: "Điều tra, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc trong thời kỳ hội nhập", Ủy ban Dân tộc, năm 2011.

- Chương trình Nghiên cứu Khoa học cấp Nhà nước KX-06 năm 1995 – 2000, 1995: Sắc thái văn hoá địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước. Hà Nội

- Phan Hữu Dật, Ngô Đức Thịnh, Lê Ngọc Thắng, 1999, Sắc thái văn hoá địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước, Nxb CTQG HCM.

- Nguyễn Đức Giao - Nguyễn Đắc Bình - Nguyễn Thành Trì. Đề tài khoa học cấp bộ. "Mối quan hệ giữa phong tục, tập quán với pháp luật dân sự". 1999

- Phan Văn Hùng, 2007, "Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam", Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

- Nguyễn Hữu Minh, Đặng Thị Hoa, Trần Thị Hồng và cs, 2020, Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Nhà nước, Ủy ban Dân tộc.

- Ngô Đức Thịnh,2006, "Văn hoá, văn hoá tộc người và văn hoá Việt Nam", Nxb KHXH, H.

- Ngô Đức Thịnh, 2000, Luật tục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc.

- Trần Hữu Sơn, 2004, Xây dựng đời sống văn hoá ở vùng cao. Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

- Nguyễn Văn Trọng (chủ nhiệm đề tài, 2015). Nghiên cứu đánh giá những tập quán của đồng bào dân tộc miền núi khu vực phía Bắc ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Một số giải pháp và kiến nghị, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Bộ, Ủy ban Dân tộc.

- Trần Trung, 2017, Nghiên cứu ảnh hưởng của phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp đề tài cấp nhà nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm