Phát huy vai trò của từng người dân trong kiểm tra, giám sát cán bộ, cơ quan công quyền

PV
18/08/2022 - 10:57
Phát huy vai trò của từng người dân trong kiểm tra, giám sát cán bộ, cơ quan công quyền

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nêu một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất tiếp thu, chỉnh lý "các quy định liên quan đến việc công khai thông tin để dân biết và những nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở". Qua đó  phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân.

Về cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng làm rõ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt. Bên cạnh đó cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về Ban Thanh tra nhân dân, trong quá trình nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật có liên quan thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, việc chỉ quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở nêu trên vô hình trung tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập; khiến cho người lao động tại khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở. 

Phát huy vai trò của từng người dân trong kiểm tra, giám sát cán bộ, cơ quan công quyền - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở vì đây thực sự là một thiết chế bảo đảm để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình tại cơ sở. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại các Chương II, III và IV; chỉnh lý lại quy định về số lượng, tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân cho phù hợp với từng loại hình; quy định nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân; bổ sung quy định về tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân và việc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong nhiệm kỳ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm