pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần bổ sung nội dung có tác động đến trẻ em, giới vào Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.
Sáng 14/6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; cho rằng Luật ra đời sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện quyền công dân, quyền con người và nghĩa vụ của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, đại biểu cho rằng, những nội dung về cộng đồng dân cư bàn, quyết định và nội dung nhân dân tham gia ý kiến của dự thảo Luật là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung dự thảo các văn bản chính sách pháp luật có tác động đến trẻ em, tác động về giới, tác động đối với dân tộc; đồng thời bổ sung công tác bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, bình xét hộ gia đình khó khăn về nhà ở, hộ gia đình tiếp nhận các chính sách vay, những chính sách ưu đãi của nhà nước… vào quy định của dự thảo luật.
Liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, ngoài đối tượng, nội dung thực hiện dân chủ được quy định của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ quan tâm đến nhóm đối tượng hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài công lập tại các làng trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn. Theo đại biểu, những đối tượng này được quyền tiếp cận thông tin; được biết các chế độ sinh hoạt, kết quả sử dụng, các khoản đóng góp, các khoản tài trợ của các mạnh thường quân; được thông tin về kinh tế- xã hội…
Từ những phân tích trên, để đảm bảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở khi ban hành bao quát được hết các nhóm đối tượng, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các nhóm đối tượng, nội dung tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền tiếp cận con người của mọi công dân Việt Nam.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, dân chủ thì phải gắn với sinh kế, dân trí, dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, nội dung thực hành dân chủ trong dự thảo Luật được trình bày theo mạch trình tự phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để hướng tới mục tiêu, yêu cầu phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ quan điểm, nguyên tắc, cách tiếp cận để xây dựng Luật có những mặt tồn tại cần tiếp tục hoàn thiện thêm để đảm bảo yêu cầu chất lượng, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề cụ thể như: giải thích khái niệm, bố cục dự thảo Luật, phạm vi thực hiện, quyền dân chủ của nhân dân, việc thực hiện dân chủ ở từng loại hình, cơ chế đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở, xử lý vi phạm, vai trò của các cơ quan, tổ chức... Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.