Phạt sản xuất phụ gia thực phẩm giả: Ít nhất 2 năm tù

29/09/2018 - 13:53
Với những điều chỉnh mới trong Bộ luật Hình sự 2015, việc sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả đều bị phạt tù thấp nhất từ 2 đến 5 năm không kể số lượng.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân quận 6, TPHCM, vừa quyết định tuyên phạt bị cáo Dương Hoàng Quân 2 năm tù giam và phạt hành chính 20 triệu đồng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018. Đồng thời, căn cứ Điều 47 của Bộ luật này, Hội đồng xét xử quyết định tịch thu 1 chiếc xe gắn máy và 1 điện thoại di động cũng như tiêu hủy toàn bộ số hàng giả.

 

pg.jpg
Phụ gia thực phẩm giả thường được sang chiết từ những bao tải 25kg với bao bì tiếng Trung Quốc không có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng

 

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6 đã tiến hành khám xét “nhà xưởng” và nơi ở của Quân trên đường Trang Tử (phường 14, quận 5) và phát hiện hơn 1.400 gói bột ngọt giả thành phẩm với trọng lượng hơn 500 kg và một số lượng lớn các bao bì nhựa, thùng carton đã được in sẵn tên các thương hiệu cùng nhiều dụng cụ dùng để sản xuất bột ngọt giả như máy ép nhựa, cân, vá xúc, thau nhựa... 

Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện hơn 300kg bột ngọt in toàn chữ Trung Quốc trên bao bì, là nguyên liệu dùng để sản xuất bột ngọt giả. Quân khai nhận, số nguyên liệu trên là loại bột ngọt xá hiệu 2 con tôm nhập lậu từ Trung Quốc, được cung cấp từ một đối tượng không rõ lai lịch với giá rất rẻ, có trọng lượng 25kg/bao. 

Đây là một trong những trường hợp đầu tiên được xét xử theo Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã được bổ sung các tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm. Điều 193 của Bộ luật quy định về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” nêu rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,… thì mức án tù cũng tăng tương ứng từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án chung thân. Cá nhân phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hay tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, với những điều chỉnh mới trong BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018, việc sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả đều bị phạt tù thấp nhất từ 2 đến 5 năm không kể số lượng và giá trị hàng hóa. Tùy theo giá trị hàng hóa và mức vi phạm nghiêm trọng như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng hoặc gây chết người, đối tượng phạm tội phải đối mặt với án tù tăng nặng từ 5-20 năm và cao nhất là tù chung thân, kèm theo đó là xử phạt hành chính từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu tài sản.

Quy định mới này giúp cho các cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy tố trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, các cá nhân có hành vi sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả như chất tạo hương, chất tạo vị (bột ngọt/mì chính) mà trước đó thường không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Với những quy định mới trong BLHS 2015 có hiệu lực từ 01/01/2018 sẽ giúp đẩy lùi những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả, đặc biệt là bột ngọt giả; góp phần ngăn chặn những nguy cơ, hiểm họa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ những nhà sản xuất và kinh doanh chân chính.

Luật sư Đặng Văn Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1/7/2016 đã thắt chặt chế tài xử phạt các tội danh liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm nói riêng. Những quy định mới này sẽ giúp cho cơ quan chức năng răn đe nghiêm khắc hơn bằng xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm