pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển kinh tế thể thao là điều hết sức quan trọng
VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31 Nguyễn Thị Oanh - Ảnh minh họa
Ngày 26/11, Diễn đàn Thể thao Việt Nam (Vietnam Sports Forum - VSF) lần thứ nhất với chủ đề Hội thảo Quốc tế về chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện hưởng ứng Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX được tổ chức vào tháng 12/năm 2022 tại Quảng Ninh. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo trợ với mục tiêu đưa thể thao trở thành một ngành kinh tế thực thụ mang lại lợi ích giá trị cao cho các doanh nghiệp, vận động viên thể thao chuyên nghiệp và ngành thể thao Việt Nam nói chung.
Hội thảo quy tụ những chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực quản trị thể thao, kinh doanh và tiếp thị thể thao; các tổ chức, liên đoàn thể thao uy tín; đại diện các đại sứ quán, lãnh sự quán, đoàn ngoại giao tại Hà Nội; những "ông bầu" của các đội thể thao nổi tiếng các vận động viên trong nước và quốc tế…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, cho biết: "Kinh tế thể thao chính là các hoạt động sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, hàng hóa thể thao đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đem lại nguồn thu làm tăng nhu cầu việc làm trong xã hội, tăng năng suất trong xã hội, đồng thời tạo ra những giá trị xã hội tích cực. Song, thị trường kinh tế thể thao ở Việt Nam vẫn chưa có cơ hội phát triển mạnh, cần có sự tiếp tục đầu tư để thật sự trở thành một phần trong nền kinh tế của đất nước.
Chúng tôi rất hy vọng qua sự kiện, ngành Thể dục Thể thao Việt Nam được tìm hiểu những kinh nghiệm thực hành xuất sắc nhất của kinh doanh và tiếp thị thể thao đỉnh cao thế giới, giới kinh doanh thể thao Việt Nam được xây dựng mạng lưới mối quan hệ với những đối tác quốc tế đáng tin cậy, để tự tin bước vào sân chơi kinh doanh thể thao quy mô toàn cầu, giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của những sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn".
Hội thảo Quốc tế về chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao có 4 phiên thảo luận chính với các nội dung phân tích chuyên sâu bao gồm: Ngoại giao thể thao, Kinh tế thể thao, Thể thao 360, Bóng đá - môn thể thao vua tại Việt Nam.
Trong phiên thảo luận nhóm đầu tiên với chủ đề Ngoại giao thể thao, ông Silvio Vecchione - Lãnh sự Việt Nam tại Napoli đã đưa ra quan điểm về việc dùng thể thao để xây dựng nền kinh tế cho địa phương, quốc gia trước bối cảnh cả thế giới đang xem thể thao như một công cụ kết nối cộng đồng và quảng bá văn hóa, du lịch: "Có nhiều ví dụ có thể thấy thể thao là một trong những công cụ ngoại giao hữu hiệu trong lịch sử. Thể thao có thể kết hợp, hàn gắn các mối quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ, giữa hai nền văn hóa, giữa các khu vực địa lý với nhau, đặc biệt là các khu vực có địa lý xung đột. Như một giải marathon hoặc bóng đá có sự tham gia của nhiều quốc gia, thể thao thì không có ranh giới nào cả, đó chính là sức mạnh giúp kết nối văn hoá cộng đồng và thúc đẩy du lịch đến với từng địa phương, từng quốc gia".
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - chia sẻ thêm: "Đứng từ góc nhìn của những người đứng đầu về lĩnh vực thể thao, ngoại giao thể thao có thể thúc đẩy quyền lực 'mềm' của các quốc gia, giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng, phá bỏ biên giới và những khác biệt về mặt văn hoá giữa các quốc gia, từ đó thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng sự hiểu biết lẫn nhau. Có thể hiểu bản chất thể thao mang tính xã hội, vì vậy nó luôn được gắn liền với các hoạt động xã hội, đồng thời có thể giải quyết các vấn đề đó một cách triệt để".
Tuy nhiên, hội nghị cũng nhận thấy rằng hoạt động thể thao ở Việt Nam vẫn mang đậm nét phong trào, với tinh thần giải trí và văn hóa nhiều hơn là một ngành công nghiệp đúng nghĩa, trong khi ở trên thế giới, đây là ngành kinh tế trị giá hàng trăm tỷ đôla.