pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những cách làm sáng tạo và hiệu quả
Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đi bầu cử
Hiệp Đức là huyện miền núi thấp của tỉnh Quảng Nam, có 11 xã, thị trấn với 46 thôn, khối phố, trong đó có 3 xã là nơi sống tập trung của các đồng bào dân tộc thiểu số với 8 thôn.
Tại huyện Hiệp Đức, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,04% so với tổng dân số toàn huyện, chủ yếu là hai dân tộc Ca Dong và Mơ Nông.
Trong những năm qua, huyện Hiệp Đức luôn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Trần Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực huyện Hiệp Đức cho biết các mô hình được triển khai đã mang lại những hiệu quả vô cùng thiết thực.
Có thể kể đến đầu tiên là phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Phong trào đã được phát động mạnh mẽ trên địa bàn huyện, từ đó thành lập mô hình "Vận động, phấn đấu giảm nghèo bền vững". Sau khi phong trào được phát động, huyện đã có thể giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững và nâng cao nhận thức của các hộ nghèo để tự phấn đấu vươn lên và thoát nghèo.
Hàng năm, huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp công tác giảm nghèo, trong đó chủ trương phân công các cơ quan, đơn vị địa phương, đảng viên, cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Theo đó, đã thành lập 8 tổ công tác hỗ trợ, giúp đỡ 542 hộ nghèo tại 8 vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp với 114 hộ nghèo tại thôn Trà Va, xã Sông Trà nhằm nắm được thực trạng, nguyên nhân nghèo để có hướng giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo thiết thực. Tại buổi đối thoại, nhiều hộ đăng ký đi thực tế tại các mô hình kinh tế ở tỉnh Kon Tum, tổ chức cho 6 hộ đại diện đăng ký thoát nghèo đi tham quan học tập, qua đó, giúp cho đồng bào biết cách làm ăn. Với cách làm này, từ năm 2019-2022, đã có đến 244 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Kế đó, phong trào thi đua "Cả nước giúp sức xây dựng nông thôn mới" cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, phát động sâu rộng, có hiệu quả, lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để hưởng ứng phong trào, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao như: mô hình "Vườn, ao, chuồng", mô hình "Nuôi ong", mô hình "Chăn nuôi, trồng cao su, keo", mô hình "Thành lập Tổ quảng bá, tiêu thụ nông sản tại địa phương"... thu nhập bình quân mỗi mô hình hàng năm đạt trên 400 triệu đồng.
Về mặt xã hội, huyện tổ chức mô hình "Trồng, chăm sóc cây xanh", mô hình "Gia đình phụ nữ không có người tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Hàng năm, Hội thi Văn hóa - Thể thao 3 xã vùng dân tộc thiểu số được tổ chức. Qua đó giúp bà con vùng dân tộc thiểu số biết quan tâm đến đời sống tinh thần và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; duy trì các phong tục tập quán tiến bộ, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự địa phương. Bên cạnh đó, các Hội nghị được tổ chức nhằm thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thăm hỏi và động viên khen thưởng cho các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Để xây dựng những mô hình đạt hiệu quả, huyện Hiệp Đức đã đưa ra những kế hoạch và chính sách phù hợp. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc thiểu số và miền núi, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình có hiệu quả. Hàng năm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó hướng dẫn cách làm và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình thực hiện."
Cùng với đó, huyện nỗ lực chỉ đạo việc huy động và lồng ghép các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở 3 xã vùng dân tộc thiểu số; trong đó, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, nhất là thực hiện tốt 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.