Phiên tòa gây “chia rẽ” chủng tộc nước Mỹ

12/08/2017 - 07:10
Cách đây 23 năm, Nicole Brown Simpson, vợ cũ của ngôi sao bóng bầu dục Mỹ O. J. Simpson và người bạn trai Ron Goldman bị sát hại. Vụ xét xử Simpson được truyền hình trực tiếp đã rung động thế giới và chia rẽ nước Mỹ.
Sáng sớm ngày 13/6/1994, cảnh sát đứng trước một hiện trường vụ án thật khủng khiếp: Thi thể người phụ nữ chân đất nằm trên bậc tam cấp vào nhà, xác người đàn ông cũng nằm gần đó. Cả hai bị đâm hàng chục nhát dao, cổ họng bị cắt đứt. Vết giày dính máu dẫn ra đến cổng vườn trước ngôi nhà tọa lạc trong khu VIP ở Los Angeles.
vu-an-chia-re-nuoc-my-1.jpg
Simpson và Nicole Brown Simpson sau 1 năm ly dị

Người phụ nữ là Nicole Brown Simpson, 35 tuổi, vợ cũ cựu ngôi sao bóng bầu dục O. J. Simpson. Trước đó 2 năm họ người đã ly dị, sau một hôn nhân sóng gió kéo dài 7 năm. Trong thời gian đó, Simpson đã không ít lần đánh đập vợ tàn nhẫn. Còn người đàn ông là Ron Goldman, 25 tuổi, bạn trai của Nicole Brown Simpson.

Truy đuổi sát thủ
 
Sau sự nghiệp bóng bầu dục vang dội, từ năm 1980, O. J. Simpson hưởng thụ cuộc sống xa hoa của một ngôi sao về hưu bằng các hợp đồng quảng cáo, những lần lên tivi và đóng phim – với một người vợ trẻ hơn 10 tuổi, xuất thân từ chốn phù hoa – sau khi đã chia tay người vợ đầu tiên.
vu-an-chia-re-nuoc-my-3.jpg
Nạn nhân Ron Goldman

Nicole Brown quen Simpson trong một quán bar khi mới 18 tuổi. Về sống với nhau, sau vẻ bề ngoài của một cuộc sống hào hoa mà nhiều người mơ ước, tình cảm của cặp đôi hoàn hảo này đã nhanh chóng “tuột dốc”. Cảnh sát đã nhận được những cú phôn kêu cứu ban đêm và đơn tố cáo bị đánh đập của Nicole.

Sau khi ly dị, Simspon vẫn không buông tha Nicole. Tháng 10/1993, Nicole vừa khóc, vừa kêu cứu tại đồn cảnh sát: "Các ông biết anh ta đấy, anh ta sẽ lại đánh đập tôi thôi". 8 tháng sau chị bị đâm chết ngay bên cửa ra vào nhà chị.
vu-an-chia-re-nuoc-my-2.jpg
Đôi găng tay đẫm máu tìm thấy ngoài hiện trường bị bên bào chữa “chứng minh” là không vừa tay Simpson

Ngay từ đầu, Simpson là nghi can duy nhất. Vết máu từ hiện trường vụ án dẫn ra đến đường phố, sau đó đến tận nhà của y ở gần đấy. Có lẽ sau khi gây án y đã lên xe chạy về nhà.

Tuy nhiên, sở cảnh sát Los Angeles đã không bắt khẩn cấp mà để ngôi sao này tự ra trình diện. Simpson đã không trình diện, mà chạy trốn trên một chiếc ô tô qua 4 đường cao tốc với 2 tá xe cảnh sát bám đuôi! Cầm lái là Al Cowlings, một người bạn của Simpson. Bản thân y ngồi ghế sau, tay cầm súng gí vào thái dương Al Cowlings. 

"Đoàn xe" chỉ bò với tốc độ 56 km/h và được khoảng hơn hai chục máy bay trực thăng của báo giới hộ tống. Tất cả các kênh truyền thông ngừng chương trình thường nhật. 95 triệu người Mỹ đã xem truyền hình trực tiếp hành trình của đoàn xe.

Cuối cùng, Simpson đầu hàng khi về đến nhà – trong vòng vây của một đơn vị đặc nhiệm và lính bắn tỉa của cảnh sát Los Angeles.

Trò lố giữa công tố và luật sư?

6 tuần sau, O. J. Simpson bị đưa ra xét xử vì tội giết người. "Vụ xét xử thế kỷ" kéo dài 134 ngày đã được truyền hình trực tiếp. Trước tòa, Simpson tuyên bố mình "vô tội 100%". 12 bồi thẩm đoàn gồm 9 người da đen, 2 người da trắng và 1 người Mỹ latinh – một ván bài thuận lợi đối với bị cáo, vốn được người da đen coi là “người hùng”.
simpson18.jpg
Tâm trạng vui mừng của những người ủng hộ Simpson

Mỗi một phút giây trong phiên tòa đều được CNN truyền hình trực tiếp, làm cho tất cả những người tham gia phiên tòa, từ công tố viên đến luật sư bào chữa, nhân chứng, thậm chí ngay cả chánh án Lance Ito được "diễn" trước ống kính.

Trong khi đại diện bên công tố là Marcia Clark và Christopher Darden bị tung tin là mắc vào một scandal thì Simpson đã không tiếc tiền bỏ ra 6 triệu đô la thuê hẳn một đội luật sư danh tiếng bào chữa cho mình. Theo cáo trạng buộc tội của bên công tốt rất đơn giản: Bị cáo giết người vì ghen tuông. Chứng cứ cũng rất rõ ràng, kể cả dấu vết ADN. Nhiều nhân chứng cũng xác nhận điều đó.
 
Đối kháng lại những buộc tội này, chiến thuật của bên bào chữa cũng rất đơn giản: Chứng cứ bị làm giả, nhân chứng là những kẻ dối trá.

Một trong những chứng cứ chính buộc tội là đôi găng đẫm máu tìm thấy ngoài hiện trường rõ ràng là của Simpson. Tuy nhiên trước tòa, bên luật sư chứng minh là đôi găng đó không vừa tay Simppson. Cho đến nay, bên công tố vẫn cho rằng, đôi găng đã bị bên bào chữa sửa đổi.

Kết cục sau 20 năm

"Rạp xiếc truyền thông" đã biến tất cả những người tham gia vụ xét xử thành nhân vật nổi tiếng: từ công tố viên, luật sư bào chữa, nhân chứng, phóng viên đưa tin trực tiếp. Bản thân Simpson, trong vụ án này đã "đột biến" từ một ngôi sao đã tắt thành một nhân vật thu hút cả thế giới.
simpson17.jpg
Simpson vẫy tay và nói to lời cảm ơn hội thẩm đoàn sau khi nghe phán quyết

Năm 1995, khi Tổng thống Nga Boris Jelzin đến thăm Mỹ, câu đầu tiên Jelzin hỏi Tổng thống Mỹ Bill Clinton là: "Ông có tin Simpson có tội không?"

Vụ xét xử có tất cả: tình yêu, sự cuồng nhiệt, ghen tuông, đấu tranh giai cấp, hận thù chủng tội và "giá trị gây sốc". Gia vị thêm vào đó là cảnh sát tham nhũng, công tố viên vô tích sự, luật sư và những nhân chứng đầy mưu mô...

Ngày 3/10/1995, bản án "vô tội" được tòa tuyên xử và truyền hình trực tiếp. 150 triệu người mục kích cái nhếch mép của Simpson khi nghe lời tuyên án. Nước Mỹ đã bị lời tuyên án này chia rẽ. Đa số người da trắng cho rằng Simpson có tội, còn người da den thì ngược lại.

Vận may của Simpson duy trì không lâu. Năm 1997, một tòa án dân sự xử hắn phải bồi thường 46 triệu đô la cho người thân của hai nạn nhân. Cho đến nay, họ vẫn chưa nhân được một xu nào.

Tuy nhiên, "ngựa vẫn theo đường cũ" và vì thế Simpson cuối cùng cũng phải trả giá nhưng vì lý do khác: Năm 2008, y bị tòa án Las Vegas xử 33 năm tù vì tội cướp có vũ khí. Sớm nhất năm 2017 y sẽ được ra tù ở tuổi 70.

Đến tận hôm nay, hơn 20 năm sau vụ án, vụ xét xử này vẫn được coi là vụ xét xử gây chấn động nhất lịch sử nước Mỹ. Không chỉ vì những chi tiết khác thường của nó, từ cuộc chạy trốn của Simpson trên chiếc xe SUV được truyền hình trực tiếp, đến những trò lừa đảo của các bên liên quan trước tòa.

Không chỉ vì phán quyết vô tội gây chấn động và một lần nữa gây chia rẽ chủng tộc ở nước Mỹ, vì O. J. Simpson là người da đen, vợ cũ-nạn nhân là người da trắng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm