Làm nghệ sĩ vốn đã cô đơn. Làm nghệ sĩ lựa chọn con đường “độc hành” như Phó An My lại càng cô đơn. Đêm nhạc của chị, sự cô đơn đã được đẩy lên đến cực điểm, biến thành sự thăng hoa của âm nhạc, của xúc cảm và trọn vẹn những rung động mãnh liệt.
Từ “Đối thoại” đến “Độc hành”
12 năm trước, Phó An My thực hiện chương trình âm nhạc “Đối thoại”, đưa những nghệ nhân lên sân khấu, tạo sự kết nối giữa các nghệ nhân dân gian với âm nhạc giao hưởng, để 2 dòng nhạc tưởng chừng đối ngược nhau ấy, có cơ hội va chạm, hài hòa và cảm nhận lẫn nhau. “Đối thoại” là một nỗ lực “giao tiếp”. 12 năm sau, Phó An My làm “Độc hành”. 12 năm ấy, biết đâu, chị đã tự mình lao vào giữa rừng núi, lao vào giữa thiên nhiên hoang dã, nỉ non những âm thanh mê man của núi, của thần, của kí ức... để rồi từ những chất liệu ấy mà phát triển lên thành tác phẩm khí nhạc, của riêng chị. Nơi mà âm nhạc giao hưởng và âm nhạc dân tộc đã quyện chặt vào nhau, đan bện trong nhau, là sự tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của một người nghệ sĩ gieo mầm đâm rễ từ mạch ngầm mảnh đất cội nguồn của mình.
Đêm diễn “Độc hành” có sự xuất hiện của nghệ sĩ piano Phó An My, bộ gõ giao hưởng Trần Xuân Hòa, Contrabass Đỗ Hải Nam với các phần: Phóng sự điện ảnh, độc thoại từ 1-6: Vọng núi, Điếp (Yêu), Nhịp núi, Dâng then, Ru rừng và Thiêng. 6 bản độc thoại riêng biệt nhưng được trình diễn liên tục, tạo nên một nhịp điệu rền vang của xúc cảm. Khán giả bước vào không gian ấy, bị cuốn vào đó và buộc phải ở lại cho đến khi điệu Thiêng cuối cùng vang lên. Hình thức trình diễn của “Độc hành” là hình thức tam tấu với sự phối hợp của 3 nhạc cụ giao hưởng, piano, bộ gõ giao hưởng và Contrabass. Bộ gõ trong dàn nhạc giao hưởng gồm 2 loại: Định âm và không định âm. Chất liệu của các nhạc khí bộ gõ cũng đa dạng, từ da, gỗ đến kim khí. Trong dàn nhạc, bộ gõ có tác dụng gợi màu sắc, tạo bối cảnh đặc biệt, gây cảm giác rõ rệt về tiết tấu.
Vốn trong giàn nhạc giao hưởng, thời gian xuất hiện của bộ gõ không dài, đôi khi chỉ một vài đoạn. Nhưng riêng trong đêm “Độc hành”, bộ gõ dưới sự điêu luyện, phiêu du của nghệ sĩ Trần Xuân Hòa đã trở thành thứ âm thanh đặc biệt, nối dài những khoảng lặng lẽ, da diết và âm vọng cô độc, hoang dã của núi rừng. Những ngón piano của Phó An My nhờ có thanh âm của bộ gõ mà trở nên “điên” hơn, nồng nàn hơn. Contrabass là cây đàn có kích thước lớn nhất trong họ đàn vĩ kéo, Contrabass vốn không có ưu thế giai điệu vì âm thanh của nó khá nặng nề, nhưng Contrabass ở “Độc hành”, “điểm yếu” ấy lại chính là điểm cốt yếu tạo nên chất ma mị, bí ẩn, cuồng loạn của âm nhạc, cùng hòa quyện với Piano và bộ gõ “vẽ” nên bầu không khí của núi rừng, của mưa, của gió, của sấm chớp, của bão lũ, của gào thét, ẩn ức.... Tất thảy đều nhờ có âm nhạc mà trở thành hình hài, nhờ có âm nhạc mà thăng hoa và nhờ có âm nhạc mà ta có thể tưởng như chạm vào cái không khí núi rừng đậm đặc ấy trong một khoảnh khắc thiêng liêng.
Kẻ sáng tạo kỳ quái
Nghệ sĩ Phó An My từng chia sẽ rằng, chị muốn âm nhạc của mình giống như một cuốn nhật ký ghi lại chặng đường mình đã đi qua, có những thứ chỉ còn là ký ức, vĩnh viễn biến mất khỏi đời sống. Tự sự của chị cũng giống như tự sự của đạo diễn Vương Gia Vệ trong một bộ phim của ông: “Nếu bạn sợ bị mất thứ gì đó, hãy lưu giữ nó trong ký ức”. Nếu ký ức của Vương chính là điện ảnh, thì ký ức của Phó An My chính là âm nhạc. Âm nhạc dùng âm thanh để tạo tác nên hình hài khiến điều mất đi trở nên có hình hài, khiến thanh âm trở thành một thứ hữu hình. Thứ hữu hình của xúc cảm.
Du học ở Đức, say mê nhạc cổ điển nhưng Phó An My dành cả đời của mình để đào sâu, kiếm tìm và lưu giữ những nét đẹp của âm nhạc truyền thống. Trong “Độc hành”, bối cảnh miền núi với âm nhạc dân gian của đồng bào Tày Nùng đã một lần nữa được sáng tạo, tái dựng đầy khác biệt, độc đáo và kì diệu. Phó An My đã dám chọn một con đường điên rồ, kì quái. Nhưng đó cũng chính là bản chất thực sự của sáng tạo. Sáng tạo là bứt mình ra khỏi mọi giới hạn mà quy ước đời sống xã hội tạo nên.
Người Tày và người Nùng là những cộng đồng dân cư sinh sống đan xen và gần gũi nhau. Họ cùng sử dụng chung chữ Nôm Tày cổ, có chung cây Tính Tẩu (đàn bầu), cây đàn đặc dụng trong tín ngưỡng thờ Then (Trời). Cái kì diệu ở đây chính là việc “Độc hành” đậm chất dân tộc trong khi không cần đến bất kì nhạc cụ dân tộc nào. Với những nhạc cụ Tây phương ấy, các nghệ sĩ vẫn khiến khán giả lặng đi, rồi sung sướng, hạnh phúc khi kịp nhận ra mình đang lạc vào mê cung âm vọng của núi rừng.
Đêm ấy, tôi nghe thấy tất cả những âm thanh có thể cất lời ca. Mọi giới hạn đều trở nên mơ hồ, phập phồng. Không còn phân định nhạc cổ điển, nhạc Việt Nam, nhạc dân tộc... tất cả thăng hoa trong một “tiếng hót” rền vang của người nghệ sĩ.
Khi giai điệu cuối cùng rơi xuống, khán giả lặng đi, Phó An My khẽ vịn vào cây đàn piano đứng dậy, khoảnh khắc ấy khiến tôi nhớ đến câu chuyện về con chim chỉ hót một lần trong đời ở cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Phó An My cũng như những người nghệ sĩ đã đồng hành cùng chị trong đêm “Độc hành” ấy dồn hết tinh túy của tâm hồn trong đêm diễn. Tiếng đàn ngưng lại, ấy là một tiếng vang động, đánh thức tất cả chúng ta ra khỏi cơn mê âm nhạc. Những điều ấy đã khiến khán giả say đắm, thật là thành công lớn của người nghệ sĩ rồi.