pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gặp mặt đại diện nữ trí thức tiêu biểu
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái gặp mặt đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.
Tham dự buổi gặp mặt có: GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia; bà Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; bà Hà Thị Nga - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; cùng các đại biểu là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể TƯ và đại diện các nữ trí thức tiêu biểu.
Khẳng định đóng góp của phụ nữ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, năm 2023, Nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước được ban hành mở ra cơ hội cho đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức tiếp tục phát huy năng lực, sức sáng tạo, cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu... trong phát triển kinh tế trí thức, góp phần xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đại biểu có mặt tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, theo danh sách được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, giai đoạn 2019 - 2023, có tổng số 2.059 vị, trong đó có 534 giáo sư và phó giáo sư là nữ, chiếm tỷ lệ 26%.
"Trong nghiên cứu khoa học, chúng ta rất tự hào khi có nhiều nữ trí thức đã làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, hoặc các nhiệm vụ thuộc các chương trình trọng điểm cấp quốc gia với kết quả đầu ra có tính khoa học và ứng dụng cao, đã được xã hội ghi nhận", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết.
Các nữ trí thức từ những người đã ở độ tuổi 80 như GS. Huỳnh Thị Phương Liên cho đến người trẻ tuổi nhất trong số những người được công nhận năm 2023 là GS. Đặng Hoàng Minh (45 tuổi) đều là những tấm gương sáng, truyền cảm hứng về tinh thần "Việc học không bao giờ cùng", về sự đam mê và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho khoa học và sự phát triển của nước nhà.
Không chỉ trong công tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý cũng ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Theo đó, tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020-2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt và vượt chỉ tiêu 15%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Nữ lãnh đạo, quản lý ở Bộ, ngành Trung ương và địa phương năm 2023 cơ bản tăng so với năm 2022.
"Các chị nữ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được trẻ hóa, đang không ngừng nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo, cán bộ và quần chúng Nhân dân tín nhiệm; nhiều chị phát huy tốt tiếng nói của ngành, địa phương, của giới nữ trong các diễn đàn Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Góp phần vào những kết quả trong công tác phụ nữ, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nữ trí thức, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành; tham mưu xây dựng, đề xuất chính sách về phụ nữ, nữ trí thức, cán bộ nữ; tổ chức thực hiện các hoạt động tham vấn nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ thông qua tổ chức các tọa đàm, hội thảo, gặp mặt…; chủ động nắm tình hình cán bộ nữ và tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự nữ cho đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực thực hiện các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; Phối hợp thực hiện các hoạt động tăng cường kết nối, phát huy vai trò cán bộ nữ… Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập đến năm 2030, trong đó đề ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trong đó có lực lượng nữ trí thức trong hội nhập quốc tế.
Ngoài việc là cơ quan Thường trực, tham mưu cho Hội đồng giải thưởng Kovalevskaia, Hội LHPN Việt Nam còn chú trọng các hoạt động ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình phụ nữ tiên tiến, quan tâm tạo nguồn nữ trí thức như trao học bổng cho các nữ sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, nữ sinh vượt khó học giỏi.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho biết: Hội Nữ trí thức Việt Nam đã không ngừng phát triển: Đến nay, Hội có hơn 5.500 hội viên thuộc 8 Hội thành viên tại 8 tỉnh/thành phố; 33 Chi hội trực thuộc tại các cơ quan Trung ương, trường đại học, viện nghiên cứu và 2 Chi hội tại Bình Định và Quảng Ninh. Trong đó có 23 Giáo sư, trên 200 Phó Giáo sư, trên 700 tiến sĩ và khoảng 200 thạc sĩ.
Từ thực tiễn hoạt động, Hội đã đúc kết, đóng góp được nhiều ý kiến tư vấn, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng chính sách về giáo dục, khoa học công nghệ và bình đẳng giới, đặc biệt là đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại diễn đàn hôm nay, Hội Nữ trí thức Việt Nam đề nghị Phó Thủ tướng, các Bộ, Ban ngành, Hội LHPN Việt Nam cần có chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo trong và ngoài nước đối với các nữ trí thức trẻ, nữ sinh viên, thúc đẩy sự phát triển sớm và toàn diện nguồn nhân lực nữ trong hoạt động Khoa học và công nghệ. Cùng với đó, Chủ tịch Hội Nữ trí thức, cũng đề xuất cần có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy thương mại hóa, khởi nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của các nữ khoa học và nữ trí thức, doanh nhân. Nhà nước nên có Giải thưởng chuyên biệt cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các chương trình/đề tài khoa học cấp quốc gia, cũng như thí điểm một Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia cho các nhà khoa học nữ.
Mong tiếp tục có sự đầu tư cho phụ nữ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác cán bộ nữ và việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức trong giai đoạn mới đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí cấp chiến lược còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị,
Cùng với đó, phần lớn nữ trí thức nước ta làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học xã hội, nhân văn, báo chí thông tin. Số lượng nữ trí thức làm việc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, an ninh, quốc phòng, vận tải, xây dựng và kiến trúc còn khiêm tốn. Định kiến giới trong văn hóa truyền thống là rào cản vô hình, hạn chế cơ hội tham chính của phụ nữ.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa một cách thực chất quản điểm, chủ trương của Đảng, 5 nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 45 và các Nghị quyết, Chiến lược bình đẳng giới của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất những kết quả đạt được trong công tác cán bộ nữ thời gian qua, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, phát huy vai trò và những đóng góp tích cực của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tham dự tại buổi gặp mặt, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đồng tình với báo cáo mà Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã nêu. Nhìn nhận trong suốt giai đoạn qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao sự nỗ lực, tự tin, bản lĩnh, trí tuệ của các nữ lãnh đạo cũng như các nữ trí thức để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, các chị đều phát huy tốt năng lực, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam
Qua các số liệu mà Hội LHPN Việt Nam đã nêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà vui mừng khi Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều đóng góp cho công tác bình đẳng giới và là một điểm sáng nổi bật trong Mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đánh giá.
Mặc dù công tác cán bộ, lãnh đạo nữ đã có những tiến bộ nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số mục tiêu trong các Nghị quyết của Đảng về chỉ tiêu cán bộ nữ còn chưa đạt được. Cùng với đó, sự suy giảm về công tác quy hoạch lãnh đạo nữ các cấp cũng là một trong những vấn đề mà người đứng đầu Bộ Nội vụ băn khoăn. Với những hạn chế đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn Đảng, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác lãnh đạo nữ; đồng thời tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ để đạt được kết quả như mong muốn; chuẩn bị tốt nhân sự trước thềm đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỷ mới.
Với chủ đề Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2024 là "Đầu tư cho phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển", các đại biểu tham dự buổi gặp mặt cũng mong muốn lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương quan tâm lan tỏa thông điệp này, đồng thời tiếp tục chỉ đạo để có sự đầu tư cho phụ nữ - đầu tư cho sự phát triển - một cách cụ thể, hiệu quả nhất.