Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Khi ý Đảng hợp lòng dân

Bách Việt
31/10/2022 - 19:21
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Khi ý Đảng hợp lòng dân

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TTXVN

Với cách làm kiên quyết, kiên trì, bài bản, cuộc phẫu thuật để loại bỏ “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực đã tạo được những bước đột phá trong công tác phòng, chống tham. Dấu ấn tốt của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đang lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân.

Đột phá từ "cuộc phẫu thuật" 10 năm

10 năm qua từ khi có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác phòng, chống tham nhũng đang như lò lửa rừng rực cháy. "Lò lửa" này đã và đang thiêu cháy nhiều quan tham, làm rát mặt nhiều người có chức, có quyền nhưng cũng thắp lên niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "lò lửa" sở dĩ nóng lên và cháy mạnh là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.

Trong tác phẩm Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững của đất nước, của chế độ nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bởi tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền"[1]. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng hết sức quan tâm và không ngừng được đẩy mạnh, Tổng Bí thư là người trực tiếp đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Với sự kiên quyết, kiên trì và cách làm bài bản, chắc chắn, sau 10 năm đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã tạo được những bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra ngày 12/12/2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang "từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm", góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Khi ý Đảng hợp lòng dân - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ra mắt tại phiên họp thứ nhất, ngày 4/2/2013. Ảnh: TTXVN

 

Truyền đi những thông điệp mạnh mẽ

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, kết quả phòng, chống tham nhũng 10 năm qua được thể hiện trên 6 nhóm vấn đề lớn. Kết quả này đã phát đi thông điệp mạnh mẽ của Đảng ta trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, quyết tâm lấy lại niềm tin của dân với Đảng.

Trước hết là việc xử nghiêm sai phạm, không ngoại lệ, không vùng cấm. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử sơ thẩm 15.857 vụ với 30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 2.439 vụ với 5.647 bị cáo về tội tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Cùng với xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều kết quả tích cực. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Bên cạnh xử lý nghiêm sai phạm, công tác hoàn thiện cơ chế để "không thể tham nhũng" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng đạt được nhiều kết quả. Trong 10 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Từ chủ trương của Đảng, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Chống "chạy chức, chạy quyền" trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Các quy định mới về bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch cùng với trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị dần bạch hóa và để người dân theo dõi, giám sát hoạt động. Trong 10 năm qua đã có 8.445.300 lượt người kê khai tài sản (đạt 99,5%)...

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Khi ý Đảng hợp lòng dân - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Vì sự tồn vong của chế độ, vì ý nguyện của nhân dân

Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, phần đánh giá về hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta"[2].

Báo cáo của Ban Nội chính về tổng kết 10 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 cũng nhận định: Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" nhưng vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hai lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương.

Trong cuộc đấu tranh này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cũng xác định: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những "ung nhọt" trong nội bộ mình, rất đau xót những vẫn phải tiếp tục làm, kiên quyết, bền bỉ và phải làm rất bài bản, chắc chắn vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của nhân dân"[3].

Từ thực tiễn và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng 10 năm qua cho thấy, càng khó khăn thì quyết tâm của Đảng càng lớn và cuộc chiến ngày càng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Chính những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng"[4]. Đó chính là sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh cam go này. Một khi "ý Đảng" đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của "lòng dân" thì tham nhũng nhất định được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.


[1] Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr47.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr38, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật năm 2021.

[3] Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tr148, sđd.

[4] Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tr98, sđd.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm