Phụ huynh bất an
Hình thức “nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập" được Bộ GD&ĐT lý giải, không phải là nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong trường mầm non. Đây là một cơ sở giáo dục mầm non độc lập, giống như nhà trường, nhưng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và bộ máy quản lý để thành lập trường.
Hình thức này tồn tại nhiều ở các khu công nghiệp hoặc nơi dân cư đông đúc, có nhu cầu sử dụng các nhóm lớp quy mô nhỏ, giá cả cạnh tranh. Chính vì xuất hiện với số lượng lớn, quy mô nhỏ nên việc quản lý các nhóm lớp này gặp nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng.
Có con trai 2 tuổi, đang theo học ở một nhóm lớp tư thục thuộc phường Thượng Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), chị Nguyễn Thúy Hà rất quan tâm đến dự thảo này.
Chị kể, con chị học ở một cơ sở quy mô nhỏ, chỉ 3 - 4 lớp nhỏ học cùng nhau theo độ tuổi, mỗi lớp từ 10 đến 12 trẻ. Học phí tại đây chưa đầy 2 triệu đồng/tháng (đã bao gồm tiền ăn) nên với mức thu nhập của gia đình, đây là lựa chọn tối ưu của chị.
“Tất nhiên, cho con học tại đây thì tiền nào của ấy là điều chắc chắn. Trường con tôi cơ sở vật chất cũ kỹ, bao nhiêu năm nay không mua mới. Đồ chơi của các con cáu bẩn, ghế thì rỉ sét. Thi thoảng đưa con đến cửa lớp đã thấy mùi khai xộc lên. Chương trình học cũng đơn điệu. Giữa Hà Nội, chi tiêu đắt đỏ, cho con học với khoản tiền đó nên đành chấp nhận thôi!” - chị kể.
Theo chị, nhóm lớp của con chị nếu được tăng quy mô thêm, nhận tối đa 70 trẻ thì chắc chắn càng không đảm bảo chất lượng. Các cơ sở được phép tăng số lượng trẻ, đồng nghĩa với việc phải cải thiện cơ sở vật chất, siết chặt quản lý cũng như các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng nỗi lo này, chị Bùi Thúy Hoa (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) có con học tại một nhóm trẻ tư thục gần nhà chia sẻ, chị cảm thấy bất an hơn nếu tăng quy mô sĩ số mà chất lượng không tăng, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên vẫn vậy.
“Phụ huynh ngày càng mất niềm tin với các nhóm trẻ tư thục, vì vậy theo tôi thay vì cho phép tăng quy mô, Bộ GD&ĐT cần tập trung hơn vào khâu quản lý, kiểm soát chất lượng bữa ăn, đội ngũ giáo viên. Bởi với tình trạng quản lý lỏng lẻo các cơ sở tư thục thì kể cả Bộ chưa cho phép tăng quy mô, họ vẫn tự ý tăng thôi” - chị Hoa nói.
Tăng số trẻ sẽ phải tăng điều kiện đảm bảo chất lượng
Trước sự lo lắng của phụ huynh, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ GD&ĐT đã dự thảo bổ sung thêm yêu cầu mỗi cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có một Tổ trưởng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng được quy định trên mỗi trẻ, cụ thể: Bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho 1 trẻ em; số giáo viên (đối với nhóm trẻ: bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ và đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp). “Tăng số lượng trẻ thì phải tăng điều kiện tương ứng với số trẻ” - ông Minh nhấn mạnh.
Liên quan đến các quy định chặt chẽ dành cho nhóm lớp tư thục, ông Bá Minh cho biết, số trẻ tối đa trong nhóm trẻ và lớp mẫu giáo theo độ tuổi trong nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập tư thục vẫn phải đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
Do đó, số trẻ trong cơ sở GDMN "nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục" không quá 70 trẻ là tổng số trẻ của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong cơ sở giáo dục này”, ông Minh nói.
* Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tăng số lượng trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tối đa 70 trẻ. * Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là cơ sở giáo dục khác được quy định tại Điều 69 Luật Giáo dục 2005. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có cơ cấu phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ có thể bao gồm một số nhóm trẻ và lớp mẫu giáo thuộc nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
|