Học sinh trường Tiểu học Lê Ngọc Hân tranh nhau mua quà vặt trước cổng trường. Ảnh: Thu Hương. |
Học sinh chen nhau, thậm chí tranh giành nhau mua đồ ăn vặt vào giờ ra chơi là cảnh rất dễ thấy ở các cổng trường. Tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội), các em bám vào hàng rào sắt, tranh nhau mua cốc kem 2.000 đồng. Kem toàn đá, được để trong cốc nhựa đã trở thành món khoái khẩu với học trò tiểu học.
Ngày nào Nguyễn Nhật Minh (lớp 6, trường THCS Phương Mai, Hà Nội) cũng xin mẹ 5.000 đồng để mua súp. Biết ở lứa tuổi của con, các bạn được ăn quà mà con không được ăn sẽ sinh tâm lý tủi thân, khó hòa đồng, chị Phạm Khánh Hằng bấm bụng cho con tiền mà tâm lý bất an: "Không biết món súp nấu có đảm bảo không?", "Không biết con có ăn súp hay lại mua quà vặt xuất xứ từ Trung Quốc rất gây hại cho sức khỏe?"...
Ngày nào cũng ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc chắc chắn sẽ có hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa internet. |
Tâm lý chung của nhiều bà mẹ là thương con, lo con bị đói lúc ở trường nên ngày nào cũng cho con vài nghìn tiêu vặt. Dù họ biết, đồ ăn con chọn, thường là xúc xích, xiên thịt nướng, kem, bánh tráng trộn, bim bim, bò bía… không rõ nguồn gốc.
"Sức khỏe của con sẽ bị ảnh hưởng khi suốt những năm học phổ thông, mỗi ngày các con đều ăn đồ rẻ tiền, không rõ xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh… Tôi mong các trường phối hợp với chính quyền sở tại sớm giải tán các hàng rong vây kín cổng trường. Hoặc nếu được, trường có thể tổ chức căng-tin ngay trong khuôn viên trường để trẻ được ăn đồ có nguồn gốc, chất lượng. Có như vậy phụ huynh chúng tôi mới có thể yên tâm được", chị Khánh Hằng bày tỏ.