Trong khi đó, chị Minh Nguyệt (ngụ Q.11, TPHCM) chia sẻ, bánh mì chà bông luôn là món ăn được chị lựa chọn cho cậu con trai lớp 2 ăn luân phiên trong tuần, nhất là những khi không kịp nấu bữa sáng cho con hoặc khi con phải đi học thêm vào buổi tối. “Bình thường, tôi vẫn lựa chọn mua bánh mì, trong đó có bánh mì chà bông ở cửa hàng. Nhưng thực tế thì nguy cơ ngộ độc vẫn luôn tiềm ẩn, bất kể ở nơi đâu. Có thể tôi sẽ phải tự mua nguyên liệu để làm chà bông cho con ăn để đảm bảo hơn, thay vì mua ở ngoài”, chị Nguyệt cho hay.
Nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ sự lo ngại khi sử dụng món bánh mì chà bông và mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng có kết luận về việc nghi ngờ ngộ độc cũng như kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng thực phẩm, các món ăn để yên tâm hơn khi sử dụng cho bản thân cũng như các con.
Trước đó, vào ngày 28/10, sau khi ăn bánh mì chà bông tại một nhà thờ trên địa bàn quận Tân Phú, TPHCM, hơn 50 người đã phải nhập viện cấp cứu. Ghi nhận cho thấy, Bệnh viện quân Tân Phú (TPHCM) đã tiến nhận 55 ca (6 người lớn và 49 trẻ em) nghi do ngộ độc thực phẩm. Sau đó, có 14 ca đã chuyển viện theo yêu cầu và tự nhập viện đến các bệnh viện nhi.
Thông tin mới nhất từ Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Công ty TNHH Đồng Tiến (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) - nơi cung cấp bánh mì cho học sinh bị nghi ngờ ngộ độc đã mua trứng cút và chà bông tại hai đơn vị khác nhau để chế biến thành sản phẩm bánh mì chà bông gà. Vào khoảng 20h30 ngày 27/10, công ty Đồng Tiến đã tự bao gói bánh mì và đến 7h30 ngày 28/10 cung cấp cho nhà thờ.
Đặc biệt, theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, tại thời điểm kiểm tra, công ty TNHH Đồng Tiến vừa hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện về sinh an toàn thực phẩm và đã làm thủ tục gia hạnh nhưng thẩm định chưa đạt. Về điều kiện vệ sinh, mặt bằng nhà xưởng, bố trí… vẫn chưa khắc phục theo thẩm định mà vẫn tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, khi kiểm tra cơ sở sản xuất chà bông – nơi công ty TNHH Đồng Tiến lấy nguyên liệu để chế biến bành mì chà bông, cơ quan chức năng ghi nhận về điều kiện cơ sở thì tường nền khu vực sản xuất bị bám bẩn, ẩm mốc, rạn nứt, cống rãnh thoát nước còn ứ đọng nước thải, chưa được che kín; còn ruồi và gián trong khu vực sản xuất.
Theo đánh giá ban đầu, nguy cơ ngộ độc hàng loạt xuất phát từ chà bông gà trong bánh mì gây ra. Có thể thành phần thực phẩm này đã bị nhiễm tụ cầu (Staphylococcus) nên khi ăn vào, bệnh nhân bị nhiễm độc với các biểu hiện cấp tính nhanh và mạnh như vậy. Bánh mì có thể nhiễm khuẩn do chất lượng nguyên liệu kém, hoặc quy trình làm chà bông và điều kiện, thời gian bảo quản chưa đảm bảo.
Trước đây, trên địa bàn TPHCM cơ quan chức năng cũng đã phát hiện từng kiểm tra và phát hiện một số cơ sở chế biến chà bông bẩn, hoàn toàn không có giấy phép hoạt động, không có giấy kinh doanh, nguyên liệu chế biến là thịt gà không có giấy kiểm dịch động vật.
Để có được sản phẩm chà bông giá rẻ, có cơ sở chế biến chà bông đã bất chấp, mua thịt gà nguyên liệu trôi nổi, không có giấy kiểm dịch động vật. Bên cạnh đó, để giảm chi phí, có cơ sở còn dùng cả đường hóa học trôi nổi trên thị trường để thay cho bột ngọt, bột nêm.