Phụ nữ cần làm gì trong và sau khi bị bạo hành gia đình?

29/08/2019 - 17:11
Bạo hành gia đình ngày càng phổ biến như một vấn nạn của xã hội. Trước những tình huống và hoàn cảnh tranh cãi đang cao trào thì không phải bất cứ người phụ nữ nào cũng biết các biện pháp để tự bảo vệ, vậy cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước pháp luật.

Trong khoảng nửa năm trở lại đây có khá nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình không những xảy ra ở trong nước mà còn có liên quan tới yếu tố người nước ngoài như vụ việc cô dâu Việt bị chồng Hàn đánh ngày 4/7/2019 đến mức phải nhập viện. Gần đây, trong tháng 8/2019 là hai vụ việc gây xôn xao dự luận, làm phẫn nộ nhiều người dân là vụ việc chồng đánh vợ ở Bắc Cạn và ngay tại Hà Nội hôm 27/8 là vụ việc người chồng là Võ sư đánh vợ liên tiếp khi vợ đang bế con nhỏ mới sinh được hai tháng tuổi. Vậy trước các vụ việc như vậy người phụ nữ cần phải trang bị cho mình những kiến thức gì để xử lý kịp thời các tình huống trong bạo hành gia đình?

chong-danh-vo-bc.png
Vụ việc người chồng đánh vợ trước mặt con ở Bắc Cạn
Phụ nữ cần trang bị những kiến thức cơ bản nhất để bảo vệ bản thân

Sau hai vụ việc bạo hành gia đình gần đây, một số diễn đàn đã có nhiều chia sẻ từ chị em khi  đứng trước sự nóng giận và những cơn say xỉn của người chồng để tránh những trận đòn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” từ đối phương:

“Đừng cố tranh thắng, tranh giỏi giang, tranh thể hiện làm gì để rồi ăn đòn. An toàn rồi hãy tính tiếp các bước tiếp theo, an toàn ở đây là an toàn cho cả bản thân và an toàn cho cả những người xung quanh”.

“Cần nhận biết đối phương đã đến cao trào của sự căng thẳng sẵn sàng ra tay đánh mình, hãy bình tĩnh lại uống một ly nước”

“Nhưng với những kẻ ngụy trang giỏi thì khi gặp cảnh bạo lực gia đình cần chọn kế thứ 36 là bỏ chạy để bảo toàn tính mạng và giữ gìn khuôn mặt xinh đẹp”.

Bên cạnh đó, chị em cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức để xử lý các tình huống. Hiểu cuộc sống hàng ngày trong hôn nhân gia đình và hiểu được đối phương qua các khóa học về hôn nhân gia đình hoặc tìm hiểu qua các trang thông tin uy tín trên mạng xã hội.

Ngay sau khi Phụ nữ bị bạo hành gia đình, cần phải làm  gì về mặt pháp luật?                                                                                                          

Tại Khoản 1 Điều 20 Chương II Hiến Pháp 2013 có quy định rất rõ về hành vi vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể con người: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. 

Ngoài ra tại Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình có quy định rất rõ quyền và lợi ích của người phụ nữ khi bị bạo lực thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe tính mạng của mình, cũng như được phép yêu cầu các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc… cụ thể:

- Trình báo đến UBND xã để yêu cầu người chồng chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; Cấm người chồng có hành vi bạo lực đến gần vợ…

- Gửi đơn đến Tòa án cấp huyện yêu cầu áp dụng biện pháp cấm người chồng tiếp xúc trong thời gian tối đa 4 tháng. Trong trường hợp này, người vợ phải có các bằng chứng chứng minh hành vi bạo lực gây tổn hại đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng.

- Đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nếu có bảo hiểm y tế, các chi phí khám và điều trị sẽ do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

- Đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, ứng xử trong gia đình, các vấn đề về pháp lý và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình…

Chế tài cho những hành vi bạo lực

Trong bất cứ trường hợp bạo hành gia đình nào mà người chồng có hành vi gây thương tích cho vợ dù ít hay nhiều thì đều phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật như: phạt từ 1 tới 2 triệu đồng theo Điều 49 của Nghị định 167/2013/ NĐ-CP: Người chồng đánh đập gây thương tích cho vợ hoặc thành viên khác trong gia đình bị phạt từ 01 – 1,5 triệu đồng. Trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hay vật dụng khác gây thương tích; không đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương thì bị phạt từ 1,5 – 02 triệu đồng. Ngoài ra, người chồng còn bị buộc phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Bên cạnh đó người chồng có thể bị xử phạt hình sự với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, nếu để lại hậu quả cho người vợ với tỷ lệ tổn thương là 11% hoặc dưới 10% nhưng dùng hung khí nguy hiểm; dùng axit; gây cố tật nhẹ cho vợ... thì sẽ bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích với mức phạt là cải tạo không không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm… 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm