pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ cần vượt qua những hạn chế trong sản xuất, kinh doanh
Chị Lê Hồng Vân (Công ty JOY VN)
Tham gia trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông sản chế biến mang tính truyền thống như bánh đa, bánh quế, mì, bún, phở… đã có chỗ đứng và tìm được đầu ra cho sản phẩm tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch, tôi nhận thấy bản thân và các lao động nữ trong công ty gặp phải một số hạn chế nhất định trong quá trình làm việc, sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, với công ty do phụ nữ lãnh đạo và số lượng công nhân viên nữ chiếm tới 80%, chúng tôi gặp một số hạn chế trong việc sắp xếp thời gian cho công việc. Ngay với bản thân tôi, tôi phải tính toán, để có thể cân đối được thời gian dành cho công ty và công việc gia đình, chăm lo cho con cái. Bên cạnh đó, vì đặc thù công việc liên quan đến sản xuất, có nhiều việc nặng nhọc như bê vác hàng hóa, vận chuyển… đòi hỏi các lao động nữ cần phải cố gắng và thu xếp để khắc phục được các vấn đề về nhân sự.
Một khó khăn nữa những doanh nghiệp sản xuất gặp phải, đó là đầu tư nhiều vào máy móc, nên thiếu vốn đặc biệt là vốn lưu động quay vòng sản xuất trong khi hàng hóa được bán tại nhiều điểm nhưng thời gian chờ công nợ rất lớn. Hiện tại, tôi chưa tiếp cận nguồn vốn vay do chính sách chưa có sự hướng dẫn rõ ràng cũng như chưa có ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Trong mùa dịch Covid-19, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi tôi đặt cơ sở sản xuất, dịch bệnh kéo dài kéo theo gần 2 tháng phải dừng sản xuất, không có hàng giao cho khách, ảnh hưởng thu nhập của cán bộ và công nhân viên tại xưởng.
Để vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, tôi đã chủ động tham gia một số chương trình tập huấn đào tạo dành cho phụ nữ của các tổ chức phi chính phủ và các chương trình tập huấn của hội LHPN huyện. Đồng thời, tôi cũng tham gia các chương trình đào tạo khác của các nữ lãnh đạo để cùng kết nối, hỗ trợ tìm nguồn nguyên vật liệu và tìm đầu ra cho các doanh nghiệp địa phương.
Tôi mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ, UNND tỉnh, huyện có các chương trình ưu đãi, hỗ trợ về vốn cho những doanh nghiệp sản xuất và các tổ chức như Hội liên hiệp phụ nữ, Phòng nông nghiệp huyện và các tổ chức liên quan có các chương trình hướng dẫn cụ thể để những người có nhu cầu vay vốn có thể tiếp cận thủ tục, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; có thể hoàn thiện hồ sơ một cách chỉn chu, tiết kiệm thời gian khi giải ngân nguồn vốn vay.
Hiện tại, nguồn vốn vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được dựa trên thế chấp tài sản, bất động sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ thế chấp tài sản rất khó khăn, máy móc thiết bị giá trị không cao để có thể sử dụng làm tài sản thế cấp. Tôi mong sẽ có chính sách tiếp cận và cho vay linh hoạt. Với những công ty đã có dòng tiền ra vào ổn định, có thể được xem xét để được vay tín chấp, vay ngắn hạn 6-12 tháng, giúp doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, phát triển quy mô doanh nghiệp và tăng thêm vốn để trữ hàng, có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chia sẻ của chị Lê Hồng Vân
Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.
Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ