pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ dân tộc Mường giảm nghèo nhờ cây nghệ
Tinh bột nghệ được phụ nữ dân tộc Mường ở Yên Lập chọn làm sản phẩm khởi nghiệp.
Trên thị trường hiện nay, nghệ là một trong những sản phẩm đang có nhu cầu rất cao đối với người tiêu dùng. Việc trồng nghệ và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ cây nghệ đang phát triển rất mạnh. Vì vậy, Hội LHPN thị trấn Yên Lập quyết định chọn mô hình sản xuất tinh bột nghệ, chế biến các sản phẩm từ nghệ tại khu Mít làm dự án khởi nghiệp thuộc Dự án 8.
Trước khi bắt tay vào quá trình sản xuất kinh doanh, Hội đã khảo sát địa bàn các vùng trồng nghệ tại huyện Yên Lập và nhận thấy việc trồng nghệ của người dân vẫn còn nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm còn manh mún.
Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn còn lớn và có khả năng phù hợp để trồng cây nghệ. Nghệ còn là một cây trồng quen thuộc với các hộ hội viên dân tộc thiểu số mà không cần quy trình kỹ thuật cao.
Đặc biệt, cây nghệ phát triển không ảnh hưởng đến diện tích, năng suất cây trồng nông nghiệp truyền thống, vì khi trồng nghệ người dân vẫn có thể trồng xen canh các loại cây khác như ngô, lạc và các loại hoa màu.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thành, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Yên Lập, Tổ Liên kết sản xuất thực phẩm an toàn tinh bột nghệ Giang Thủy được thành lập vào năm 2017. Tổ có 5 thành viên tham gia đều là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Sau khi thu mua nghệ từ các hộ, tổ đã thực hiện làm tinh bột nghệ rồi chia nhau đi giới thiệu sản phẩm tại các đại lý, bước đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Cây nghệ ở Yên Lập có chất lượng tốt, màu sắc đẹp vì hợp thổ nhưỡng vùng trung du. Nhờ có quy trình chế biến dân gian sạch, không hóa chất, sản phẩm nhanh chóng được bà con tin dùng, thị trường đón nhận. Cùng với đó, Hội LHPN thị trấn Yên Lập cũng hỗ trợ để sản phẩm được tham gia các hội chợ sản phẩm nông sản, tiếp cận với khách hàng gần xa.
Thời vụ vào tháng 1, tháng 2 dương lịch hàng năm là mùa nghệ ngon nhất nên chị em thu hoạch vừa làm tinh bột vừa tích lũy.
Bà con trồng nghệ theo mùa vụ, mùa nào hợp khí hậu cho ra củ nghệ chất lượng nhất thì trồng, mỗi năm thu hoạch từ 5 đến 6 tấn. Cứ 10kg nghệ tươi thì cho ra 5-6 lạng tinh bột chất lượng. Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ có giá 500 nghìn đồng/kg, tinh bột nghệ vàng có giá 400 nghìn đồng/kg…
"Nghệ dạng viên, dạng bột có tác dụng tốt cho dạ dày, đại tràng, làm đẹp da, bổ máu. Những người máu nhiễm mỡ, chị em sau sinh rất ưa chuộng tinh bột nghệ Giang Thủy. Thời gian đầu các tổ viên làm nghệ viên bằng tay nên tốn rất nhiều thời gian, sản phẩm cung cấp không đủ nhu cầu nên đã tích lũy vốn để mua máy làm nghệ viên. Nhiều hộ kinh doanh cá nhân và các quầy thuốc trên địa bàn biết đến sản phẩm đã hợp tác để cung cấp tới khách hàng"- chị Đinh Thị Bích Thủy - thành viên tổ hợp tác chia sẻ.
Mô hình sản xuất tinh bột nghệ đã giúp tăng thu nhập cho các chị em trong tổ, trong đó có 2 chị đã thoát nghèo. Một số chị em dân tộc Mường tham gia làm công (250 nghìn đồng/ngày) cũng có thêm một khoảng thu nhập nâng cao đời sống. Ngoài thời gian làm nghệ, các chị em trong tổ vẫn tham gia làm nghề nông hoặc buôn bán. Vì vậy, mô hình này trở thành mô hình hỗ trợ hiệu quả giúp chị em có thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Kim Thành cũng cho biết, Hội LHPN thị trấn Yên Lập có nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ hội viên, bà con dân tộc Mường làm kinh tế giảm nghèo. Riêng mô hình sản xuất tinh bột nghệ, để phát triển ổn định lâu dài, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ liên kết giới thiệu sản phẩm ra thị trường trên các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hội chợ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thâm canh vùng trồng nghệ bền vững, mang lại thu nhập cao hơn.