Nghiên cứu này của Liên Hợp quốc cho thấy 122 phụ nữ trong độ tuổi 25 – 34 sống trong nghèo đói, so với 100 nam giới cùng độ tuổi. Tỉ lệ phụ nữ sống trong các hộ nghèo là 12.8%, so với mức 12.3% ở nam giới; tức là có 5 triệu phụ nữ đang phải vật lộn với nghèo đói nhiều hơn nam giới.
Kể cả khi phụ nữ tìm được việc làm, họ cũng nhận ít lương hơn đàn ông. Phụ nữ cũng có ít thời gian để làm việc vì họ phải cân đối với công việc nhà, nấu ăn và chăm con.
Phụ nữ cũng dễ bị thiếu thốn lương thực hơn đàn ông trên 2/3 thế giới. Khi xảy ra khủng hoảng, báo cáo cho thấy phụ nữ thường có xu hướng bị đói khát nhiều hơn nam giới. Mặc dù đây là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới nhưng tỉ lệ phụ nữ đối mặt với thách thức này cao nhất là ở sa mạc Sahara (châu Phi).
Phụ nữ cũng dễ bị tổn thương. Theo Liên Hiệp Quốc, cứ 1 trong 5 phụ nữ và trẻ em gái từ 15 – 49 tuổi từng bị bạn tình bạo hành về thể xác hoặc tình dục trong vòng 12 tháng qua.
Vào năm 2015, có 303.000 phụ nữ chết vì các vấn đề liên quan đến thai nghén và sinh sản trên toàn thế giới. Gần 2/3 trong số đó ở vùng hạ Sahara. Phụ nữ có thu nhập thấp càng dễ bị tổn thương hơn. (Đây cũng là một thách thức ở Mỹ, quốc gia đã phát triển duy nhất có tỉ lệ tử vong do thai nghén hay sinh sản ngày càng tăng).
Tuy nhiên, cũng có một vài điểm sáng trong nghiên cứu, như nhiều phụ nữ được đi học hơn bao giờ hết, cũng như thời gian được đi học dài hơn. Trên toàn thế giới, 90.3% trẻ em gái trong độ tuổi đi học được đến trường vào năm 2015, so với 82.2% vào năm 2000. Đối với trẻ em trai, tỉ lệ cao hơn một chút với 91.9% nam sinh được đến trường.
Tuy vậy, vẫn có khoảng 15 triệu trẻ em gái không có cơ hội được học đọc, học viết. Đó là một thách thức đặc biệt cấp bách ở châu Phi, nơi có 48.1% thiếu nữ bỏ học, so với 43.6% ở nam giới; tỉ lệ bỏ học ở tiểu học là 25.7% ở trẻ em gái và 21.7% ở trẻ em trai. Tại đây, nhiều trường học vẫn còn phải cung cấp cơ sở và vật dụng vệ sinh cho các em gái khi có kinh nguyệt.