Phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương cao gấp 2,1 lần nam giới

Ngự Bình
10/03/2021 - 15:55
Phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương cao gấp 2,1 lần nam giới

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tư tưởng định kiến giới, tâm lý thích có con trai hơn con gái vẫn tồn tại trong xã hội dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng lên. Phụ nữ vẫn dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương cao hơn nam giới, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 là gấp 2,1 lần nam giới.

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững từ góc độ bình đẳng giới" diễn ra ở Hà Nội ngày 10/3, ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Điều đó thể hiện qua việc cải thiện tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tỷ lệ phụ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp.

công việc chăm sóc không lương

Ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bình đẳng giới vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Tư tưởng định kiến giới, tâm lý ưa thích có con trai hơn con gái vẫn tồn tại trong xã hội dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng lên. Phụ nữ vẫn dành thời gian cho công việc chăm sóc không lương cao hơn nam giới và theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 là gấp 2,1 lần nam giới. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau và chưa có nhiều cải thiện. Phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới.

công việc chăm sóc không lương

Bà Elisa Fernandez - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam

Bà Elisa Fernandez - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam - nhấn mạnh rằng, do COVID-19, các nguồn lực kinh tế của phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lượng công nhân ngành may mặc có thu nhập dưới chuẩn nghèo tăng gấp đôi vào cuối năm 2020 do mất thu nhập 14-28%. 84% nữ lao động trong khu vực phi chính thức không tiếp cận được trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ tài chính của nhà nước. Bên cạnh đó, COVID-19 làm tăng gánh nặng việc nhà và phụ nữ phải chịu gánh nặng việc nhà nhiều nhất. Đại dịch cũng khiến gia tăng bạo lực đối với phụ nữ.

công việc chăm sóc không lương

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trước tình hình đó, UN Women đưa ra các khuyến nghị sau:

- Đảm bảo việc thực hiện các cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong kế hoạch hành động của Việt Nam về mục tiêu phát triển bền vững và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.

- Đảm bảo rằng có ngân sách cho việc thực hiện các cam kết bình đẳng giới trong các chiến lược ngành và địa phương. Đảm bảo đủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho việc thực hiện Đề án về phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết chính phủ về Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

- Ngân sách có trách nhiệm giới có thể là một công cụ hữu ích để làm các ngân sách hiện thời có tác động tốt đến bình đẳng giới.

- Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các chiến lược phục hồi do tác động của COVID-19 và lồng ghép cả vấn đề trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới vào những nỗ lực tăng cường nguồn ngân lực cho tương lai: Các kỹ năng trong khoa học, công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung vào phụ nữ dân tộc thiểu số và những phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn khác.

- Đảm bảo có các dịch vụ chất lượng được điều phối và lấy nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới là trung tâm. Cần coi đó là một trong những phần thiết yếu trong các nỗ lực ứng phó với COVID-19 và các trường hợp khẩn cấp khác.

- Tập trung thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thay đổi khuôn mẫu giới đã làm hạn chế sự tham gia tối đa và hiệu quả của phụ nữ trong đời sống và làm tăng bạo lực trên cơ sở giới. Thúc đẩy sự tham gia chia sẻ công việc nhà và chăm sóc trong gia đình.

- Thúc đẩy các chính sách để tăng cường các dịch vụ chăm sóc cho trẻ em, người già, người ốm để giảm gánh nặng cho phụ nữ và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội.

- Cải thiện phân tích và số liệu được phân tích theo giới tính, tuổi, tình trạng khuyết tật và những nhân tố khác, đặc biệt trong các lĩnh vực chưa được thu thập số liệu cho các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới của các mục tiêu phát triển bền vững. 

* Tiếp tục cập nhật

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm