Sở dĩ phụ nữ dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới vì phải trải qua những biến động trong nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: Trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh hoặc ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc tránh thai, tiền sử thai nghén, căng thăng trong cuộc sống... Những thay đổi này đều có tác động tới hormone tuyến giáp, vì thế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.
Bệnh tuyến giáp còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra như: Thừa hoặc thiếu i-ốt; mắc các bệnh tự miễn, khi mắc bệnh này, tế bào miễn dịch sẽ tấn công những tế bào trong cơ thể và có thể khiến bạn mắc các bệnh khác, trong đó có bệnh về tuyến giáp. Nếu mắc các bệnh tự miễn, cần phải khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi, phát hiện và xử trí các bất thường kịp thời.
Ngoài ra, hệ miễn dịch suy yếu kéo theo sự thay đổi về các hormone trong cơ thể, cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp; tiền sử gia đình có người mắc các bệnh tuyến giáp, đặc biệt là ung thư tuyến giáp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên còn lại. Về cá nhân, nếu từng mắc bệnh tuyến giáp hoặc từng phẫu thuật, xạ trị ảnh hưởng tới tuyến giáp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh...
Lưu ý trong chăm sóc người bệnh nếu phẫu thuật
Theo TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp bằng các biện pháp đơn giản như mỗi người nên sử dụng 150mg i-ốt/ngày; ăn nhiều rau xanh và trái cây để giúp cân bằng hormone tuyến giáp. Bên cạnh đó nên tập thể dục hằng ngày để giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy lùi bệnh tật, trong đó có các bệnh tuyến giáp.
Nếu đang hút thuốc thì nên bỏ, vì khói thuốc lá có nhiều chất độc hại như thiocyanate rất nguy hiểm đối với tuyến giáp. Người dân cũng nên khám tầm soát các bệnh lý tuyến giáp định kỳ. Khi thấy các triệu chứng như nuốt nghẹn, nói khàn, cảm giác nghẹt, tức ở cổ cần tìm ngay đến các cơ sở y tế uy tín thăm khám.
Tùy từng giai đoạn, thể bệnh, người mắc bệnh tuyến giáp có thể phải phẫu thuật. Nếu phải mổ, dinh dưỡng tốt trước và sau khi phẫu thuật sẽ góp phần làm tăng sức chịu đựng của người bệnh, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật.
Do đó, trước phẫu thuật người bệnh cần bổ sung các thực phẩm giàu protein có trong thịt lợn nạc, thịt dê, thịt bò, trứng... vì trong quá trình phẫu thuật lượng protein trong cơ thể sẽ mất đi do chảy máu. Vitamin trong các loại rau, củ cũng giúp cho người bệnh tăng thêm sức đề kháng. Đặc biệt người bệnh cần bổ sung thêm glucid nhằm cung cấp năng lượng và các tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng thuốc mê.
Ở một số trường hợp đặc biệt, người bệnh trước khi phẫu thuật cũng cần lưu ý chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ví dụ như bệnh đái tháo đường, khi đường máu cao bất thường rất dễ xảy ra biến chứng, vì vậy người bệnh phải có chế độ ăn nhằm giảm lượng đường máu; bệnh suy thận, huyết áp cao, cnaf thực hiện chế độ ăn giảm muối.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể ăn sau khi đã tỉnh, khẩu phần ăn được chia thành nhiều bữa nhỏ với thức ăn loãng đến đặc dần. Lưu ý đa dạng các loại thức ăn và bổ sung thức ăn chứa nhiều canxi giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi cơ thể, không kiêng khem quá mức.