Phụ nữ người Dao Họ bảo tồn nghề dệt gắn với phát triển hàng hóa

Hoàng Sa
23/02/2024 - 06:36
Phụ nữ người Dao Họ bảo tồn nghề dệt gắn với phát triển hàng hóa

Nhiều thiếu nữ người Dao Họ say mê với công việc làm thổ cẩm

Trước tình trạng nghề dệt truyền thống của dân tộc bị mai một, chị em phụ nữ người Dao Họ ở Lào Cai đã tích cực đẩy mạnh phương pháp bảo tồn gắn với phát triển kinh tế hàng hóa rất linh động và hiệu quả.

Nghề dệt truyền thống là nét bản sắc văn hóa rất quan trọng của mỗi tộc người ở Tây Bắc Việt Nam, nhưng suốt một thời gian dài trong cộng đồng người Dao Họ đã diễn ra tình trạng mai một nghề dệt truyền thống, dẫn đến sự phai nhạt bản sắc quan trọng của tộc người này.

Trước những vấn đề đó, một số cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai đã có những giải pháp thực hiện bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa tộc người quan trọng của người Dao Họ, trong đó có trang phục và nghề dệt.

Sau một thời gian thực hiện chương trình phục dựng và bảo tồn nghề dệt, nhiều phụ nữ người Dao Họ ở Lào Cai đã tích cực thực hiện việc phục dựng, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, may thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Phụ nữ người Dao Họ bảo tồn nghề dệt gắn với phát triển hàng hóa- Ảnh 1.

Phụ nữ người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai tích cực bảo tồn nghề dệt gắn với phát triển kinh tế hàng hóa

Cụ thể, chị em phụ nữ người Dao Họ ở các huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã thành lập các tổ nhóm, cùng nhau trao truyền các kỹ năng, kinh nghiệm trồng bông, trồng chàm, xe sợi, dệt vải và may thêu trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình, và cả việc phát triển thành ngành hàng truyền thống để phục vụ chính cộng đồng, cũng như bán ra thị trường du lịch.

Bà Đặng Thị Tách, ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, chia sẻ: "Được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự động viên của Hội LHPN xã, chị em người Dao Họ rất tích cực dệt vải, may thêu các sản phẩm sử dụng trong gia đình, và làm các mặt hàng lưu niệm bán ra thị trường cho khách du lịch, từ đó cũng tạo thêm việc làm và thu nhập cho chị em”.

Chị Bàn Thị Trang, hội viên Hội LHPN xã Sơn Hà, cho biết: "Kể từ khi chị em tham gia phát triển nghề thổ cẩm truyền thống, cũng tạo ra sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều người còn chủ động mang hàng hóa may thêu của người Dao Họ được mua gom trong làng, và cả các loại nguyên liệu vải sợi, kim chỉ, đi bán ở các làng người Dao. Việc này đã thúc đẩy rất nhiều chị em tham gia sản xuất hàng hóa thổ cẩm truyền thống. Cho đến nay đã tạo thành phong trào phát triển rất tốt trong cộng đồng người Dao Họ”.

Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Sang, người rất tâm huyết với việc bảo tồn phát triển văn hóa người Dao Họ ở Lào Cai, chia sẻ: "Từ vài năm trở lại đây, chị em phụ nữ người Dao Họ chúng tôi đã nhận thức được việc bảo tồn nghề dệt gắn với sản xuất hàng hóa đem lại lợi ích kinh tế. Nên việc phục dựng và bảo tồn phát huy tốt, các bé gái cũng quan tâm học hỏi từ các bà, các mẹ để làm ra các sản phẩm thêu dệt đẹp. Tôi tin rằng đây sẽ là một hướng đi bền vững vừa giữ gìn bản sắc, vừa phát triển được kinh tế cho các gia đình người Dao Họ”.

Cùng với đó là sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN tỉnh, huyện và Hội LHPN xã cũng thường xuyên tuyên truyền, động viên, định hướng phát triển ngành hàng thổ cẩm truyền thống, từ đó đã tạo ra những năng lượng tích cực cho chị em phụ nữ người Dao Họ ở Lào Cai.

Phụ nữ người Dao Họ bảo tồn nghề dệt gắn với phát triển hàng hóa- Ảnh 2.

Từ nhiều năm qua, nghề dệt của người Dao Họ đã bị mai một, nhưng kể từ khi phục dựng bảo tồn, phụ nữ người Dao Họ đã tích cực phát triển thành ngành hàng đem lại việc làm và thu nhập

Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Hội LHPN Lào Cai, cho biết “Lào Cai là một địa phương phát triển mạnh về du lịch, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc lại có những đặc thù văn hóa truyền thống độc đáo riêng biệt. Có thể nói đây là những nguồn lực phát triển du lịch văn hóa cộng đồng rất độc đáo của địa phương.

Hội LHPN chúng tôi coi việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc là việc quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ nói riêng và người dân nói chung, đồng thời cũng tạo ra những nguồn lực, những sản phẩm góp phần phát triển du lịch, tạo ra việc làm và thu nhập cho chị em ở cộng đồng. Hàng năm chúng tôi tuyên truyền và triển khai các chương trình gìn giữ bản sắc, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm