Phụ nữ, trẻ em bị bạo lực cần trợ giúp pháp lý miễn phí

28/10/2016 - 10:11
Các đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí, trong dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 27/10, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Phát biểu tại tổ về nội dung này, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị sửa đổi bổ sung thêm 2 nhóm được trợ giúp pháp lý là “phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực”, bao gồm người bị bạo lực gia đình, bạo lực học đường, nạn nhân bị xâm hại tình dục.
dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-thi-thu-ha.jpg
Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu chiều 27/10 

Để phù hợp và tương thích với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đại biểu Thu Hà đề xuất sửa khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật về người được trợ giúp pháp lý là: “Người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em chưa thành niên đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán người”.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, đại biểu Thu Hà cho biết: Trung bình mỗi năm số phụ nữ được trợ giúp pháp lý chiếm gần 50% tổng số người được trợ giúp pháp lý. Trong số đó có 30% là phụ nữ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, đại diện hợp pháp của trẻ em bị xâm hại tình dục. Họ thường là những người cam chịu, ít lên tiếng do nhiều yếu tố tác động như văn hóa, tâm lý, phong tục tập quán. “Số 30% này có thể chưa phản ánh đúng thực tế”. Đại biểu Thu Hà kiến nghị bổ sung thêm “nguyên tắc bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý” vào Điều 3 dự thảo luật.

Nghe thêm audio phát biểu của Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà

Theo đại biểu Thu Hà, về chính sách xã hội hóa và thu hút nguồn lực trợ giúp pháp lý “còn có sự mâu thuẫn”. Khoản 3, Điều 4 về việc ghi nhận và tôn vinh cơ quan tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhưng khoản 1, Điều 4 của dự thảo lại “quy định cứng” trợ giúp pháp lý là “trách nhiệm của Nhà nước”, gây khó cho việc xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Thu Hà khẳng định: “Tôi cho rằng, trợ giúp pháp lý không nên trở thành gánh nặng của ngân sách Nhà nước”. Có nghiên cứu mới đây cho thấy, 52% luật sư được chỉ định trợ giúp pháp lý là do Mặt trận Tổ quốc hoặc trung tâm trợ giúp pháp lý mời bào chữa cho người chưa thành niên. Trong đó, có 41% bào chữa mà không nhận thù lao.

Nhiều tổ chức, cá nhân vừa có khả năng, vừa có trách nhiệm cùng làm, không nhất thiết chỉ coi đây là trách nhiệm của Nhà nước. Theo đại biểu Thu Hà, nếu mở rộng xã hội hóa, sẽ vừa đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý, vừa nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp pháp lý trên thực tiễn.

chuyen-gia-tu-van-phu-nu-bi-bao-luc-gia-dinh.jpg
 Chuyên gia tư vấn pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình (ảnh minh họa)

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật kế thừa quy định người được trợ giúp pháp lý từ Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, như người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Đồng thời, tại Điều 7, dự thảo luật bổ sung thêm những người không có khả năng tài chính để thuê luật sư, được trợ giúp pháp lý, bao gồm: “Nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính”; “trẻ em bị buộc tội”; “người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, các điều kiện về “khó khăn tài chính”, “bị buộc tội” thì người được trợ giúp pháp lý thu hẹp hơn so với các luật hiện hành có quy định liên quan tới trợ giúp pháp lý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm