Phụ nữ, trẻ em tại 9 xã khó khăn được nâng cao năng lực, vị thế

Thu Hương
26/10/2022 - 13:25
Phụ nữ, trẻ em tại 9 xã khó khăn được nâng cao năng lực, vị thế

Nhiều phụ nữ nghèo sẽ được nâng cao vị thế và quyền năng kinh tế

Dự kiến sẽ có khoảng gần 30.000 người là người dân của 9 xã khó khăn tại huyện Hướng Hóa và Đa Krông, tỉnh Quảng Trị và huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, được nâng cao năng lực, vị thế để cải thiện khả năng tiếp cận sinh kế và các dịch vụ cơ bản, qua đó giảm bớt tình trạng dễ tổn thương.

Huyện Đà Bắc và huyện Đa Krông nằm trong danh sách 61 huyện nghèo của Việt Nam theo công bố của Chính phủ (QĐ số 275/QĐ-TTG, ngày 7/3/2001). Đây là những huyện khó khăn nhất ở Việt Nam, nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bao gồm Pa Cô, Vân Kiều, Mông, Tày, Mường và Dao.

Để hỗ trợ người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái tại đây nâng cao năng lực, vị thế để cải thiện khả năng tiếp cận sinh kế và các dịch vụ cơ bản, qua đó giảm bớt tình trạng dễ tổn thương, chương trình "Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị và Hòa Bình" với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam được thực hiện trong khoảng thời gian từ 6/2022 đến 8/2023. 

Chương trình hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 xã của huyện Đakrông và Hướng Hoá thuộc tỉnh Quảng Trị; và 3 xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, phòng chống rủi ro thiên tai và áp dụng các phương thức tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và cộng đồng quyết định.

Phụ nữ, trẻ em tại 9 xã khó khăn được nâng cao năng lực, vị thế - Ảnh 1.

Hội thảo khởi động Dự án có sự tham gia của đại diện Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức thực hiện

Dự kiến sẽ có khoảng gần 30.000 người là người dân của 9 xã sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ chương trình. Trong đó có khoảng 1.800 người khuyết tật, sẽ là đối tượng mục tiêu và sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ chương trình. Các xã này có 5.100 trẻ em gái và phụ nữ từ 15-25 tuổi và khoảng 5.400 trẻ em trai và nam giới ở cùng độ tuổi. Có hơn 2.000 trẻ em trai và 2.000 trẻ em gái từ 10-14 tuổi sẽ là những đối tượng tích cực tham gia mô hình trường học an toàn.

Nâng cao vị thế cho phụ nữ nghèo và trẻ em

Dự án được chia thành nhiều hợp phần khác nhau, do 3 tổ chức cùng thực hiện, bao gồm tổ chức Plan International Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng RIC và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam. Để triển khai hiệu quả và đạt được các mục tiêu của chương trình, các tổ chức sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận là lấy cộng đồng làm trung tâm và cộng đồng sẽ định hướng sự phát triển. Cách tiếp cận này sẽ được thực hiện trên cơ sở tôn trọng và thúc đẩy quyền của các cộng đồng dân tộc thiểu số. 

Hơn thế nữa, chương trình sẽ tiếp cận những người yếu thế nhất như người nữ dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số khuyết tật. Các mô hình cụ thể sẽ được thực hiện như một môi trường để thực hành phương pháp tiếp cận này, đồng thời thông qua các mô hình để đem lại những thay đổi tích cực đối với các cộng đồng mục tiêu.

Phụ nữ, trẻ em tại 9 xã khó khăn được nâng cao năng lực, vị thế - Ảnh 2.

Dự án được thực hiện trên cơ sở tôn trọng và thúc đẩy quyền của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Riêng với nội dung nâng cao năng lực về kinh tế cho phụ nữ nhằm tăng khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế cho phụ nữ, thông qua quá trình hỗ trợ của chương trình, những phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn sẽ hiểu hơn về năng lực tự thân, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội kinh tế để thay đổi hoàn cảnh sống. Chương trình sẽ đưa ra các can thiệp để góp phần thay đổi các quan niệm về giới đang hạn chế sự phát triển của những phụ nữ trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ với các đặc điểm dễ bị tổn thương hơn nữa như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân. Cách tiếp cận này sẽ giúp hỗ trợ tạo nên một môi trường an toàn và khuyến khích sự tham gia của những thành viên nữ trong cộng đồng.

Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Seán Farrell chia sẻ về những kỳ vọng dành cho chương trình: "Đây là một trong những chương trình quan trọng nhất của Ireland tại Việt Nam và khu vực. Chương trình có mục tiêu giải quyết những thách thức trên nhiều phương diện đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất như người dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, những người chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu và người khuyết tật. Các mục tiêu của chương trình phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên trong Chính sách hợp tác phát triển quốc tế của Ireland. Nội dung chương trình được xây dựng dựa trên bề dày các hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương của Ireland tại Việt Nam và trong khu vực".

Phụ nữ, trẻ em tại 9 xã khó khăn được nâng cao năng lực, vị thế - Ảnh 3.

Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam Seán Farrell chia sẻ đây là một trong những chương trình quan trọng nhất của Ireland tại Việt Nam và khu vực.

Bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc quốc gia của tổ chức Plan International Việt Nam, nhấn mạnh: "Thông qua chương trình này, các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, người khuyết tật và phụ nữ tại 9 xã đặc biệt khó khăn thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Quảng Trị sẽ được nâng cao năng lực để có thể ứng phó, thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu. Họ cũng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế để tự chủ hơn trong cuộc sống, nâng cao vị thế của họ trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Can thiệp của Chương trình sẽ đóng góp vào cam kết hỗ trợ 2 triệu trẻ em gái học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển trong chiến lược 5 năm của tổ chức Plan International Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025".

Trong chương trình "Tiến về phía trước", các tổ chức trong liên minh sẽ đưa ra những hỗ trợ có tính tổng hợp và ở nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ hỗ trợ các mô hình sinh kế, phát triển các mô hình quản lý và thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình trường học an toàn và thực hiện xây mới và duy tu bảo dưỡng các công trình cộng đồng vi mô giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Trao đổi thêm về phương pháp tiếp cận của chương trình, ông Lê Văn Hải, Giám đốc Trung tâm RIC, cho biết: "Chương trình sẽ được thực hiện trên cơ sở cộng đồng là trung tâm của các hoạt động. Cộng đồng đề xuất các sáng kiến, tham gia vào quá trình lập kế hoạch, xây dựng sáng kiến và thực hiện hoạt động. Về hợp phần xây dựng và vận hành bảo trì công trình vi mô dựa vào cộng đồng, chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp cộng đồng tự quản. Đây là phương pháp tiếp cận mà người dân là chủ thể của quá trình phát triển, họ có quyền và có năng lực tự đánh giá nhu cầu, xếp hạng ưu tiên, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện vận hành bảo trì và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng vi mô tại địa phương. Thông qua phương pháp tiếp cận này, người dân sẽ được tăng cường năng lực và trách nhiệm để thực hiện các sáng kiến phát triển tại địa phương để cải thiện điều kiện sống của họ".

Bên cạnh các hoạt động trực tiếp tại cộng đồng, chương trình cũng thực hiện ở cấp quốc gia với những hoạt động cụ thể nhằm kết nối các nguồn lực và tạo ra sự thay đổi một cách có hệ thống. Ở góc độ này, Giám đốc quốc gia của tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, bà Lê Kim Dung, cho biết: "Chương trình cũng thúc đẩy tiến trình học hỏi, thực hành chính sách và xây dựng các quan hệ đối tác với các cơ quan trung ương, tăng cường việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với các chương trình khác nhằm hỗ trợ các cộng đồng và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất ứng phó với những biến động của nền kinh tế cũng như thích ứng hiệu quả với các thách thức từ khí hậu và môi trường".

Chương trình sẽ được thực hiện tại các xã Tà Long, Đakrông và Tà Rụt của huyện Đakrông; Hướng Lộc, Lìa, và Ba Tầng ở huyện Hướng Hoá thuộc tỉnh Quảng Trị; các xã Yên Hoà, Trung Thành và Cao Sơn ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

Các nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại huyện Hướng Hóa và Đa Krông, tỉnh Quảng Trị và huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, được nâng cao năng lực, vị thế để cải thiện khả năng tiếp cận sinh kế và các dịch vụ cơ bản, qua đó giảm bớt tình trạng dễ tổn thương.

Kết quả 1: Các cộng đồng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và người khuyết tật, được nâng cao năng lực, vị thế để tham gia và tác động đến tiến trình phát triển tại địa phương.

Kết quả 2: Các cộng đồng mà dự án hướng đến, đặc biệt là các nhóm người khuyết tật tại 6 xã thuộc tỉnh Quảng Trị và 2 xã thuộc tỉnh Hòa Bình, có khả năng chống chịu với các rủi ro khí hậu và thiên tai

Kết quả 3: Các nhóm phụ nữ đặc biệt khó khăn, bao gồm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật và phụ nữ dễ bị tổn thương bởi khí hậu và thiên tai (các nhóm mục tiêu), được nâng cao quyền năng kinh tế

Kết quả 4: Thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác và chia sẻ, học hỏi giữa các đối tác nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 và các chính sách liên quan

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm