Phụ nữ trí thức bị bạo hành càng không muốn lên tiếng

27/11/2018 - 12:36
“Mỗi lần đánh tôi, chồng thường khóa trái cửa phòng để ra tay. Những lúc vợ chồng tình cảm, tôi hỏi "Mình là dân trí thức mà sao anh lại đánh em như thế? Em là giảng viên đại học mà bị chồng sỉ nhục như vậy thì còn ra gì?" Anh ấy bảo: Em cứ làm theo anh thì chả có vấn đề gì!”.

“Luôn cảm thấy đau đớn và nhục nhã như bị hiếp dâm”

Đó là chia sẻ của một nữ tiến sĩ, giảng viên đại học. Chị là P.T.T (SN 1980, Nam Định): “Tôi yêu anh ấy từ năm 2002 đến 2004 thì cưới. Do học đại học cùng em gái của anh, từng chứng kiến anh ấy đánh em gái, thậm chí khi cô ấy khuyên: “Anh tớ không tốt, cậu không nên yêu, nhưng vì chồng từng học ở Học viện Quân sự, học rất giỏi, nên tôi cảm phục và nghĩ có thể thay đổi, nghĩ chồng chỉ đánh em gái chứ không bao giờ đánh mình… nên đã yêu đến cùng và kết hôn”.

Nhưng rồi cô cũng không tránh được cuộc sống bị bạo lực!

“Mỗi lần đánh tôi, chồng tôi thường khóa trái cửa trong phòng để anh đánh. Những lúc vợ chồng tình cảm, tôi tâm sự: “Mình là dân trí thức mà anh lại đánh em như vậy à? Em là giảng viên đại học mà bị chồng sỉ nhục như vậy thì còn ra gì! Khi vợ chồng vui vẻ, tôi có hỏi vì sao anh đánh tôi, anh nói: “Em cứ làm theo anh thì chả có vấn đề gì”. Chồng tôi là một người không chấp nhận được vợ làm trái ý mình dù là điều nhỏ nhất. Ví dụ anh bảo tôi đi mua chanh mà tôi lại mua quất thì anh ấy cho rằng tôi khinh bỉ chồng, lập tức bị chửi hoặc ăn đòn luôn…

Thấy nhục nhã đau đớn, nhưng yêu chồng, tôi vẫn cố làm lành”; “Chồng tôi có nhu cầu tình dục cao, tôi luôn phải đáp ứng nếu không anh ấy sẽ nghi ngờ. Có hôm tôi mệt quá, nói hay hôm nay mình nghỉ một hôm, thì anh ấy kiểm tra điện thoại hỏi, hay cô ngủ với thằng nào rồi, nên cô không muốn tôi. Có khi tôi trốn sang nằm với con để tránh thì anh ấy lôi tôi dậy, nhổ nước bọt vào mặt, chửi tôi trước mặt các con: “Mẹ mày là con khốn nạn”. Tôi luôn cảm thấy đau đớn và nhục nhã như bị hiếp dâm…”.

 

1.jpg
Chồng bảo mua chanh mà vợ mua quất là ăn đòn - Ảnh minh họa: Bảo tàng Phụ nữ

Với chị P.T.T (sinh năm 1981 ở Vĩnh Phúc, nhân viên ngân hàng): “Anh có nhiều tiền hơn, tôi cũng không tiêu vào tiền của anh ấy. Từ hồi lấy anh, anh đi học cao học, rồi tiến sĩ. Với đồng lương nhà nước, anh phải làm thêm mới đủ. Anh nói chồng đi học vợ chả giúp gì. Tôi nói: Vậy con anh ăn bằng gì, học bằng gì? Đó cũng là giúp chứ. Anh có tính sĩ diện cao. Qua nhiều lần mâu thuẫn, tôi mới hiểu rằng anh lúc nào cũng sợ vợ hơn mình. Hiểu điều đó nên tôi luôn nói: Em chả có tiền, lương em thấp, chả bằng lương anh, coi như anh hơn mình rất nhiều”. Nhưng, cô cũng không tránh được bạo lực.

“Thường thì anh khóa cửa đánh tôi trong nhà. Sức tôi không chống được bạo lực từ anh ấy... Tôi chỉ chịu đựng thôi. Có lần anh ấy dùng dao phay cứa vào cổ tôi, tôi sợ quá gọi công an đến giải quyết”.

 

3.jpg
Hình ảnh nỗi đau bị chồng bạo hành được chụp lại qua điện thoại.

Còn với chị M.T.D (SN 1988, Hưng Yên, Biên tập viên truyền hình):  "Anh nghiện ngập từ khi bọn tôi chưa lấy nhau, rồi anh đập đá, mang cả ô tô đi cắm. Tôi khuyên đi cai nghiện nhưng anh ấy không đồng ý. Tôi xin đưa con về nhà mẹ đẻ mấy ngày vì nói rằng không thể tiếp tục sống được. Chồng tôi đồng ý nhưng mẹ chồng không bằng lòng. Rồi bà túm tóc, đập đầu tôi xuống sàn nhà và cố sức giằng con từ tay tôi. Lời qua tiếng lại, anh xông vào đánh tôi. Anh ta gọi điện cho bố đẻ tôi và nói là “ông đến mà mang con ông về”…

Mỗi lần định nói ra là rất nhiều ràng buộc…

Họ là những phụ nữ trí thức từng sống chung với bạo lực bởi chồng trong quãng thời gian rất lâu và là những ca được Ngôi nhà Bình yên - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, nghiên cứu. Họ đã phải chịu đựng những nỗi đau về bạo lực tinh thần, thể xác, tình dục và kinh tế cho đến ngày sức chịu đựng bị cạn kiệt…

Chị P.T.T (SN 1980, Nam Định, giảng viên đại học): “Tôi cứ luẩn quẩn không thoát ra được.. Tôi không kể chuyện của mình với bất kỳ ai, kể cả gia đình vì bản tính tôi là người lạc quan, vui vẻ, cũng nghĩ đây là chuyện riêng tư. Người ngoài nhìn vào thấy gia đình tôi hạnh phúc  lắm. Thầy trưởng khoa tôi còn nói ở khoa mình, T. là người được chồng yêu nhất, lúc nào bạn ấy cũng vui vẻ…”.

Trường hợp chị P.T.T (SN 1981 ở Vĩnh Phúc, nhân viên ngân hàng): “Khi bị chồng lấy dao khứa vào cổ, tôi nói dối cơ quan là đi đường bị trấn lột. Tôi không muốn cơ quan tôi cũng như cơ quan chồng biết việc tôi thường xuyên bị chồng đánh vì chẳng vui vẻ gì và sợ nói ra cũng ảnh hưởng đến công việc của anh ấy, cũng như ảnh hưởng đến con cái mình”. “Vợ chồng tôi có nhiều bất đồng…, nhưng bố mẹ thì không nói gì với anh ấy cả, chỉ khuyên tôi sống vì con, phụ nữ bao giờ cũng bị thiệt, nên thôi nhịn. Tôi cũng muốn làm gì đó để chấm dứt việc này nhưng bố mẹ tôi cứ khuyên: “Thôi con ạ, vợ chồng có lúc nọ lúc kia. Cứ tập trung vào làm việc, nuôi con cái, như thế cho nó thanh thản”.

Còn với chị M.T.D (SN 1988, Hưng Yên, Biên tập viên truyền hình): Lý do cố sống trong bạo lực gia đình vì đó là “Vì là mối tình đầu nên tôi luôn nghĩ khi lấy về thì sẽ thay đổi được tất cả. Khi yêu nhau đã lỡ có quan hệ tình dục với nhau nên khi bị đánh, tôi vẫn bỏ qua. Hồi xưa, bố mẹ tôi ngăn cản không cho yêu nên tôi cố sống vì đó là sự lựa chọn của mình rồi, mình phải chấp nhận. Tôi luôn giấu kín không nói với ai bao giờ, kể cả khi mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm, đến tận khi tôi gọi điện cho mẹ và chị nói là tôi quyết định bỏ chồng và cầu cứu: “Mẹ sang cứu con, con không thể ở đây được nữa thì mẹ và chị tôi mới biết”.

Thực tế cho thấy, BLGĐ hiện nay diễn ra phức tạp và tinh vi hơn trước. Nó thường có xu hướng thể hiện “dữ dội, ồn ào” ở các gia đình có mức sống bình dân, tầng lớp lao động phổ thông và diễn ra “âm thầm, lặng lẽ” trong các gia đình trí thức.

tt.jpg
Với những phụ nữ trí thức, mặc dù học có hiểu biết về BLGĐ, về bạo lực trên cơ sở giới… nhưng họ vẫn không dám nói ra

 

Họ phải che giấu không muốn để ai biết chuyện, khó khăn trong việc muốn giải thoát khỏi cuộc sống hôn nhân như địa ngục bởi rất nhiều những lý do liên quan đến sự ràng buộc, day dứt vì con cái, vì danh dự cha mẹ, vì công việc, vì danh dự của bản thân, vì định kiến xã hội…

Tuy nhiên, sự im lặng nhẫn nhịn bạo lực của phụ nữ trí thức trong thực tế sẽ khiến cho bạo lực ngày càng gia tăng, thậm chí khiến cho nạn nhân có thể bị thiệt mạng. 

nu-tt.jpg
Đa phần những phụ nữ trí thức khi tìm đến sự giúp đỡ của các tổ chức đều đã từng bị đe dọa giết hoặc bị trầm cảm nặng, có ý định tự tử để giải thoát

 

Tại Việt Nam: 58% phụ nữ kết hôn đã từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong cuộc đời. 64% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 nghĩ nam giới bạo lực với phụ nữ là BÌNH THƯỜNG, 87% nạn nhân không tìm đến sự hỗ trợ. 60% thủ phạm các vụ giết người là do người trong gia đình; Từ 2011-2015, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của BLGĐ. Trong tổng 157.895 vụ BLGĐ được phát hiện từ 2011-2015, nạn nhân là nữ (16-59 tuổi) chiếm 74,24%. Từ năm 2012-2016, cả nước thống kê được 127.258 vụ, trong đó nam giới chiếm 83,69% số người gây bạo lực gia đình. Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình…

Theo nghiên cứu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với hơn 60 trường hợp phụ nữ bị BLGĐ (11/2018) cho thấy người đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và cao đẳng chiếm 85%; những người gây bạo lực có trình độ đại học, cao đẳng, thậm chí là thạc sĩ cũng chiếm 61%. Nguyên nhân bạo lực ở khía cạnh kinh tế chiếm 10,3%, tác động của xã hội như ngoại tình, ghen tuông, nghiện hút, gia trưởng, cờ bạc, bia rượu chiếm 83,8%. Hình thức bạo lực thể chất chiếm 98%, tình dục 31% và tinh thần là 100%...

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm