Phụ nữ với Trường Sa - Bài 2: Ấm áp tình cảm hậu phương
Đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam mang tình cảm thân thương, ấm áp từ đất liền. Đồng thời tiếp tục khẳng định là hậu phương vững chắc để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác; bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong hải trình đến thăm quân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1, tại mỗi điểm đến, các đại biểu Hội LHPN Việt Nam đều dành thời gian thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các đảo, nhà giàn DK1/9. Là những người vợ, người mẹ nên các nữ đại biểu càng thấu hiểu hơn những khó khăn mà các cán bộ, chiến sĩ phải trải qua khi làm nhiệm vụ nơi xa.
Và cũng chính sự thấu hiểu đó đã giúp các đại biểu có sự chia sẻ, động viên, khích lệ kịp thời, góp phần giúp các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đến với đảo Đá Đông C, Đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam cảm nhận rõ được những vất vả, khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây khi thời tiết vô cùng khắc nghiệt, điều kiện còn nhiều hạn chế.
Trong tình cảm đặc biệt, sự thăm hỏi ân cần các cô, các dì là đại biểu Hội LHPN Việt Nam, chiến sĩ Nguyễn Đại Lượng (quê Bình Thuận) - đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Đông C, cho biết, dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh em chiến sĩ rất đoàn kết, thương yêu nhau.
"Tôi muốn nhắn nhủ với cha mẹ, người thân ở trong đất liền hãy yên tâm. Tôi và các đồng đội luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng, đầy tự hào", chiến sĩ Nguyễn Đại Lượng chia sẻ.
Tại đảo Len Đao, bên cạnh việc thăm hỏi, động viên các cán bộ và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cũng đã gửi tặng những món quà nhỏ được mang ra từ đất liền đến các chiến sĩ.
Chiến sĩ Huỳnh Ngọc Thọ (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) - đang làm nhiệm vụ tại đảo Len Đao xúc động khi nhận được tình cảm thân thương từ các đại biểu Hội LHPN Việt Nam.
Chiến sĩ trẻ này cho hay, thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ tại đảo cũng có một số khó khăn, nhất là nỗi nhớ nhà mỗi khi màn đêm buông xuống. Tuy nhiên, với sự thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của anh em chiến sĩ nên dần quen với cuộc sống trên đảo để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, đây là lần đầu chị đặt chân đến Trường Sa nên cảm giác rất xúc động và vinh dự.
"Trước đây, tôi chỉ biết thông tin qua sách báo hoặc do bạn bè đi về rồi kể lại. Được đặt chân đến đảo, tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi mong cán bộ, chiến sĩ đang công tác, làm việc nhiệm vụ tại các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa thật nhiều sức khỏe, giữ chắc tay súng để tiếp tục giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đến với cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh về hoạt động của đảo; cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, sẽ tiếp tục đóng góp về vật chất, tinh thần để chung tay giúp các cán bộ, chiến sĩ ngày càng vững chắc tay súng", Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum xúc động chia sẻ.
Trong khi đó, đại biểu Hà Thị Đóa - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái cũng đã gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ tại các đảo phần quà là những gói chè nhỏ - là đặc sản quê hương, chứa chan tình cảm.
Đại biểu Hội LHPN Việt Nam thăm hỏi, chia sẻ và động viên các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Đình Hưng
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái chia sẻ, được đến Trường Sa là niềm mơ ước của nhiều người và bản thân chị cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được đặt chân đến vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Đã có nhiều chiến sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Trong nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh Yên Bái cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thăm hỏi, động viên đối với những gia đình các chiến sĩ công tác tại biên cương, hải đảo; đặc biệt là trong dịp lễ Tết để các chiến sĩ yên tâm công tác, giữ vững chủ quyền, biển đảo Tổ quốc", đại biểu Hà Thị Đóa nói.
Còn nhiều, rất nhiều những tình cảm của Đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam gửi đến quân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong hải trình đặc biệt này. Những lời thăm hỏi ân cần, món quà nhỏ ý nghĩa, đong đầy yêu thương, thể hiện tấm lòng hậu phương quân đội, tình cảm ấm áp của hàng triệu trái tim phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc.
Đồng thời sẻ chia với những khó khăn, vất vả; cũng như sự mong đợi và tin tưởng các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân, phụ nữ nơi đây đã và đang kiên cường vượt mọi gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ; xây dựng biển đảo xa xôi của Tổ quốc ngày càng bình yên, phát triển.
Mang ra tình cảm, mang về niềm tin
Tham gia Đoàn công tác số 16 thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 còn có nhiều nữ đại biểu đến từ các tổ chức, đơn vị tại một số tỉnh/thành trên cả nước.
Đại biểu Huỳnh Tiểu Nhi, Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau), cho biết, đây là lần đầu chị đến với Trường Sa nên cảm xúc rất háo hức, mong chờ. Và khi đến nơi này, chị càng thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả; những hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bình yên cho biển đảo, quê hương.
Các đại biểu Đoàn công tác số 16 mang lời ca, tiếng hát đến với cán bộ và chiến sĩ Trường Sa - Ảnh: Đình Hưng
Tham gia đoàn công tác, đại biểu Huỳnh Tiểu Nhi cũng đã mang lời ca tiếng hát đến với các chiến sĩ, là lời động viên để các anh giữ vững tay súng. "Trong hải trình này, tôi đã hát rất nhiều nhưng không cảm thấy mệt một chút nào, chỉ mong có thật nhiều thời gian trên đảo để được hát nhiều hơn nữa; gửi tặng những bài hát ý nghĩa giúp các anh có được những phút giây thoải mái, vui vẻ", đại biểu Tiểu Nhi chia sẻ.
Trung tá Đỗ Văn Diễn - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, cho biết, đảo có nhiệm vụ tổ chức tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng cơ động bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo được phân công. Ngoài ra đảo có nhiệm vụ làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khai thác hải sản; sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân.
Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, đảo Sinh Tồn Đông đã tổ chức cấp cứu, khám, cấp thuốc cho 63 lượt ngư dân; hỗ trợ lương thực thực phẩm với giá trị gần 6,5 triệu đồng và 7m3 nước ngọt cho ngư dân vào khu vực đảo tránh trú do thời tiết giông bão dài ngày.
Theo trung tá Đỗ Văn Diễn, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội; sự ủng hộ của các địa phương, các tổ chức dân chính đảng trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên. Đây là sự động viên to lớn, thôi thúc cán bộ và chiến sĩ trên đảo trong hoàn cảnh nào cũng cũng không ngừng học tập, rèn luyện, đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần cảnh giác; sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, cho biết, tinh thẩn sẵn sàng chiến đấu của Quân đội là mệnh lệnh, sức mạnh. Trên quân đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn Đông, với tính chất nhiệm vụ đặc thù, cán bộ và chiến sĩ trên đảo luôn thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là số một 24/24 giờ và trong bất cứ tình huống nào.
"Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất phấn khởi khi được đón các đoàn công tác ra thăm, động viên. Mỗi lần các đoàn ra đều mang theo tình thương, hơi ấm từ đất liền. Thông qua đó đã động viên, tiếp thêm nguồn năng lượng để cán bộ, chiến sĩ thêm yêu Trường Sa hơn; nỗ lực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc", chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông nhấn mạnh. (còn nữa)