Phủ Tây Hồ và câu chuyện hội ngộ của Mẫu Liễu Hạnh

25/02/2017 - 07:15
Phủ Tây Hồ là một trong những địa danh nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội gắn với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh và cuộc hội ngộ lần thứ 2 với trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Người ta lý giải, sự ra đời của Phủ cũng chính từ huyền tích ly kỳ này.

Tư liệu ghi lại, Phủ Tây Hồ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Theo các cụ cao niên kể lại, Phủ Tây Hồ hay còn gọi phủ Mẫu Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam.

Tục truyền rằng, khi xuống hạ giới, bà chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.

Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi hội ngộ lần thứ 2 của Mẫu Liễu Hạnh và trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ ‘Tây Hồ ngự quán’ mà nay vẫn còn lưu truyền mãi.

ph-chnh.jpg
 Phủ chính ở Phủ Tây Hồ.

Chuyện kể rằng, sau khi về kinh đô vừa mới được thu hồi từ tay nhà Mạc, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan rủ hai bạn thơ là Cử nhân Ngô Tường Sinh và Tú tài Lý Hạ cùng nhau đi chơi Tây Hồ. 3 người tha thẩn đến một quán rượu ngay ven hồ, đơn sơ nhưng thơ mộng, trên cửa thấy đề bốn chữ lớn: Tây Hồ phong nguyệt. 3 người lần lượt bước vào quán, thoạt nhìn lên tường thấy có dán một bài thơ tứ tuyệt nét mực còn tươi, chữ viết đẹp như rồng bay, phượng múa:

Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt,

Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,

Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,

Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.

Dịch:

Cửa quán là đây trăng sáng soi,

Bên mành ai đứng đợi chờ ai,

Khách đến ba người thừa đội nguyệt,

Một cây huệ mọc giữa hai ngài.

Cả bài thơ tựu trung lại là: ‘Điếm môn nhàn. Thời chính giai. Khách hữu tâm. Huệ nhiên lai’. (Quán đương vắng. Thời tiết đẹp. Khách có lòng. Mời vào chơi).

3 người gật gù khen giỏi. Ngay lúc 3 người đang trầm trồ tán thưởng thì bỗng có một cô hầu gái xinh đẹp bâng đến một khay rượu, ở trên bày 3 cái chén, 1 ve rượu kèm theo 1 tờ danh thiếp, nhẹ nhàng đặt xuống mặt bàn, nhỏ nhẹ mời 3 thi nhân nhấp chén, rồi nhanh nhẹn rút lui vào sau song cửa. Phùng Khắc Khoan cầm chiếc thiếp, đọc xong rồi đưa cho 2 bạn, trên thiếp 3 người thấy rõ 1 câu thơ:

Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên

(Tây Hồ riêng chiếm một bầu trời)

3 nhà thơ hiểu ngay ý của chủ nhân đưa câu thơ trên là muốn mở đầu cho một bài thơ liên cú viết về Hồ Tây để thử tài họ nên họ rất hào hứng, vừa nhấp rượu vừa lần lượt mỗi người 2 câu, người này nối tiếp người kia, chẳng mấy chốc đã có ngay một bài dài. Gần đến đoạn kết, bỗng từ phía sau song cửa vang lên 1 câu thơ trong trẻo phát ra từ giọng một người con gái trẻ:

Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên

(Trăng tròn soi một bóng tiên thôi)

3 nhà thơ không bảo nhau nhưng cùng lúc đập nhẹ tay xuống bàn khen hay. Họ gặp người hầu gái, nói xin được gặp chủ nhân nhưng người hầu gái trước sau một mực thưa: Liễu chủ nhân của cô có việc bận xin được cáo lỗi.

Ngồi thêm một lúc, 3 người đành ra về trong nỗi day dứt băn khoăn.

Mấy ngày sau, Phùng Khắc Khoan và 2 người bạn họ Ngô, họ Lý lại rủ nhau đến thăm quán. Nhưng khi đến nơi thì quán cũ đã không còn, chỉ còn thấy trên thân cây bên quán cũ 1 bài thơ ai dán sẵn:

Vân tác ý thường phong tác xa,

Tiên du Đâu Suất mộ yên hà,

Thế nhân dục thức ngô danh tính,

Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa.

Ngô và Lý hỏi Phùng Khắc Khoan về ý nghĩa bài thơ. Phùng Khắc Khoan trầm ngâm một lúc rồi buồn bã trả lời:

- 3 câu đầu của bài thơ, ý tứ rõ ràng chắc 2 quan bác không có gì bận nghĩ. ‘Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe. Sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du mây khói. Người đời ai muốn biết họ tên ta’, đến đó luận theo kiểu chiết tự: chữ nhất ghép với chữ đại sẽ thành chữ thiên; chữ sơn ghép với chữ nhân sẽ thành chữ tiên. Câu cuối cùng trở thành Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa (Ta là Ngọc Quỳnh Hoa tiên nữ nhà trời).

Nói tới đó, Phùng Khắc Khoan dừng lại một lúc, rồi bùi ngùi kể cho 2 người bạn nghe những kỷ niệm về cuộc gặp gỡ kỳ thú với tiên Liễu Hạnh trước đây trên xứ Lạng, nơi mà sau lần gặp đó ông đã cho xây chùa để tưởng niệm. Cả 3 ngẩn ngơ luận rằng, tiên Quỳnh Hoa chính là người hầu gái xinh đẹp hôm nọ gặp. Họ thơ thẩn trên nền quán cũ một hồi lâu rồi ai trở về nhà người ấy trong nỗi nhớ tiếc miên man.

tng-b-cha-liu-hnh.jpg
 Tượng bà Chúa Liễu Hạnh.

Để tưởng nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm, sau đó chính Phùng Khắc Khoan đã cho dựng lên trên nền đất cũ Tây Hồ phong nguyệt ngôi đền thờ Chúa Liễu Hạnh để ghi lại kỷ niệm lần thứ 2 gặp bà ngay bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, cảnh quan thơ mộng của kinh thành Đông Kinh. Ngôi đền đó qua nhiều lần trùng tu, nay chính là Phủ Tây Hồ trên bán đảo Tây Hồ thuộc Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội (xưa thuộc làng Tây Hồ, thôn Quảng Khánh, xã Quảng An).

Theo các cụ cao niên, Phủ Tây Hồ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã che chở cho du kích, quân dân và cả khách lỡ độ đường thoát khỏi làn đạn, bom rơi. Những năm 1945 - 1946, Phủ bị Pháp pháo kích bắn sập tường, sụp mái mấy lần nhưng sau đó, dân Quảng Khánh đều tu sửa và xây lại. Những năm đánh Mỹ, đây là nơi bộ đội Thông tin Tổng cục Hậu cần, Công an vũ trang đóng quân. Nhân dân Quảng Khánh với hơn 50 nóc nhà đã nhường cơm, sẻ áo, dành những vườn trồng quất để bộ đội đào hầm đặt máy thông tin liên lạc, phục vụ cho Bộ chỉ huy chiến đấu trên khắp các chiến trường trong cả nước.

cy-si-c-th-cy-di-sn-vit-nam.jpg
 Cây si cổ thụ - cây di sản Việt Nam.

Ngày nay, trải qua bao năm tháng của lịch sử, Phủ Tây Hồ vẫn còn gìn giữ được cây si cổ thụ được công nhận là ‘Cây di sản của Việt Nam’. Bên trong Phủ còn lưu giữ được bộ tượng tròn gồm gần 300 pho và nhiều hoành phi, câu đối mang đậm lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của nước nhà.

Ngày 13/2/1996, Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Phủ Tây Hồ mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3/3 âm lịch và 13/8 âm lịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm