Quà Tết của các chàng rể thời nay

02/02/2019 - 12:02
Tại Việt Nam, cứ mỗi độ Tết về, việc chàng rể sửa soạn quà “đi Tết nhà vợ” là một phong tục còn được nhiều địa phương lưu giữ. Nếu như ngày xưa, quà Tết của chàng rể thường là bánh chưng, con gà, chân giò, chai rượu… thì ngày nay, những chàng rể thời 9X thường có cách chọn quà Tết rể như thế nào?

Quà “lạ miệng”

Đó là chia sẻ của chàng rể trẻ Lương Duy (SN 1991) ở Mỹ Đình, Hà Nội. Tết 2019 này là năm thứ 2 Duy thực hiện “tục Tết rể”. Anh cho biết, dù là xã hội có hiện đại, phát triển đến đâu thì theo anh việc đi “Tết rể” là một phong tục không thể thiếu (với anh) vào những ngày lễ. Đây thực sự là những nét đẹp trong truyền thống văn hóa. Việc Tết bố mẹ vợ không chỉ là nhằm gắn kết tình cảm mà là trách nhiệm của con rể, cũng là sự tôn trọng, sự cảm ơn của chàng rể đối với nhà vợ.

 

2.jpg
Tại Việt Nam, cứ mỗi độ Tết về, việc chàng rể sửa soạn quà “đi Tết nhà vợ” là một phong tục còn được nhiều địa phương lưu giữ. Ảnh minh họa

 

Anh Lương Duy cũng chia sẻ, hiện nay các chàng rể trẻ thường có xu hướng lựa chọn đi Tết rể là những giỏ quà sang trọng, lịch sự kèm với phong bao lì xì… Về “mức độ” của phong bao thì tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của bản thân ở thời điểm Tết, nhưng đa số đều là “cố hết khả năng” để có được quà Tết rể cho tươm tất.

 

Còn với anh, Tết năm trước, vì là rể mới nên trước Tết, khi sửa soạn quà để Tết nhà ngoại, anh đã xin tư vấn của cha mẹ mình (cho trang trọng, chu đáo), sau đó cùng bàn bạc và đưa đến thống nhất quà Tết rể là bộ ấm chén và giỏ quà đẹp.

3.jpg
Ảnh minh họa

 

Với Tết năm nay, trên “cơ sở" nắm bắt được tâm lý, thói quen, nhu cầu sinh hoạt… của gia đình nhà ngoại nên anh muốn chọn món quà Tết rể sẽ chuyên về ẩm thực; đó là những đặc sản vùng miền quê hương như cá nướng, giò, nem chạo, chả cá, gạo đặc sản, thịt lợn ngon… Kiểu quà Tết này vừa thể hiện sự “độc đáo”, “mộc mạc”, thân tình lại lạ miệng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu về những thực phẩm cần dùng trong 3 ngày Tết của gia đình nhà ngoại…

 

Muốn mang đến sự mới mẻ cho nhà ngoại 

Chàng rể 26 tuổi Xuân Tùng hiện là Trưởng phòng Phát triển Hệ thống Mỹ phẩm thiên nhiên Hàn Quốc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh vẫn duy trì tục Tết rể mỗi dịp Tết đến xuân về.

mr-tung.jpg
Theo chàng rể Xuân Tùng: “Quà Tết chính là cơ hội để chia sẻ, gánh vác một phần trách nhiệm làm con, cùng với vợ báo hiếu cha mẹ vợ”

 

Theo Tùng, đây là “nghi lễ” rất quan trọng và có ý nghĩa lớn. Thứ nhất, việc Tết rể là sự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con cái với bố mẹ vợ; Thứ 2, việc Tết rể là góp một phần nhỏ giúp không khí gia đình ngày Tết bên nhà vợ được vui vẻ ấm cúng hơn; Thứ 3, đây còn là việc chồng cùng vợ chia sẻ, gánh vác một phần “trách nhiệm” với nhau việc cùng báo hiếu cha mẹ vợ; Và cuối cùng, đó cũng là cách để chứng tỏ tình yêu, sự tôn trọng, sự quan tâm của chồng dành cho vợ trong ngày Tết, giúp vợ có cảm giác không bị tủi thân nếu như năm đó hai đứa chọn ăn Tết bên nhà chồng và vợ thì phải ăn Tết “xa bố mẹ đẻ"…

 

Ngoài ra, Xuân Tùng cũng chú tâm trong việc sửa soạn các món quà Tết tặng nhà vợ; Anh ví dụ những năm trước đó, quà Tết rể của anh thường là  hoa quả, bánh kẹo, bia, những đồ gia dụng mà gia đình còn thiếu và cả biếu Tiền bố mẹ trước Tết để phụ giúp cha mẹ một phần chi tiêu trong ngày Tết…

 

Hoặc với Tết Mậu Tuất 2018, anh thấy trước đó bên nhà vợ ít khi mua cây cảnh chơi Tết nên anh đã quyết định sắm quà Tết rể bằng một cây đào rất đẹp. Anh cho biết, mình muốn chọn quà Tết rể như vậy vì muốn mang đến cho gia đình nhà vợ điều mới mẻ, khác biệt để muốn mang đến cho ngày Tết bên nhà ngoại có “không khí” hơn và được vui tươi hơn. Trước đó, trong số những món quà Tết nhà vợ, có cái thì anh Xuân Tùng tham khảo ý kiến của vợ và cũng có một số quà Tết là anh tự mình tự quyết.

 

Với Tết 2019 này, anh Xuân Tùng “bật mí” về việc nếu được lựa chọn 1 món quà độc đáo để Tết rể, có thể anh sẽ chọn một gói chụp ảnh (hiện đại, chuyên nghiệp) cho cả đại gia đình nhà vợ để mọi người cùng ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau, đầm ấm và mới mẻ trong ngày Xuân.

Bí quyết sửa soạn quà Tết dành cho chàng rể:

- Cần xác định, việc đàn ông cưới vợ, không chỉ bắt đầu một cuộc sống của mình mà còn phải làm tròn trách nhiệm với nhà vợ. Vào dịp đông đủ cả nhà nhất như lễ Tết, việc chàng rể ứng xử với “quà Tết rể” như thế nào để không bị chê trách, để tròn trách nhiệm… là việc rất quan trọng, cần phải làm.

- Hãy dẹp bỏ tư tưởng dâu là con, rể là khách và cần ứng xử với quà Tết rể một cách tự nguyện và thoải mái, xuất phát từ sự thành tâm, chữ hiếu

- Không nên lựa chọn quà Tết rể vượt quá khả năng kinh tế của bản thân và gia đình.

- Trước khi sửa soạn chọn quà Tết rể, cũng cần dựa trên một phần sở thích, nhu cầu, tính cách, lối sống, phong cách sắm sửa, đón Tết… của gia đình nhà vợ.

- Nếu bị rơi vào tình trạng gặp khó khăn, bối rối trong việc chưa biết lựa chọn quà Tết rể, hãy chủ động hỏi ý kiến, sự tư vấn từ vợ hoặc cha mẹ mình…

- Tặng quà Tết và nên kèm lì xì (dù ít hay nhiều) thì đây cũng là cách thể hiện thành ý của vợ chồng trong việc cộng đồng trách nhiệm, “góp Tết” cùng cha mẹ…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm