Quần áo chứa formaldehyde có thể gây ung thư

03/10/2015 - 15:06
Thông tin quần áo Trung Quốc ở một số quốc gia trên thế giới chứa hàm lượng formaldehyde cao hơn mức cho phép khiến người tiêu dùng lo lắng. Quần áo “made in China” đang tràn ngập thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng nên mua quần áo có xuất xứ rõ ràng

Khó kiểm soát 

Tại chợ Nhà Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, rất khó để tìm được một sản phẩm thời trang có nhãn mác “Made in Vietnam”. Nhãn mác ở cổ áo, lưng quần đều có chữ Trung Quốc hoặc ghi rõ “Made in China”. Chị Nhân, chủ một cửa hàng quần áo tại đây, cho biết, hàng chủ yếu lấy ở chợ đầu mối Ninh Hiệp hoặc Đồng Xuân. Hàng hóa lấy về tiêu chí số 1 là thời trang và giá thành rẻ. Còn xuất xứ không quan trọng. Đối tượng khách hàng là sinh viên nên cần phải rẻ mà vẫn đẹp.

Khi hỏi về những chất độc hại có khả năng tồn tại trong quần áo Trung Quốc, chị Liên, chủ tiệm quần áo thời trang trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa (Hà Nội), nói: “Nếu quần áo có chất gì thì phải xét nghiệm chứ mắt thường làm sao biết được”. Cũng theo chị Liên, quần áo nhập vào khá dễ dàng. Khi cửa hàng có nhu cầu, có thể đến trực tiếp các điểm bán buôn ở chợ Ninh Hiệp hoặc những cơ sở phân phối khác. Chẳng ai kiểm tra hàng hóa nhập ở đâu, chỉ cần xem hình thức đẹp, giá phù hợp là được. Thậm chí, chủ cửa hàng có thể vào mạng chọn hàng trực tuyến rồi có người bỏ mối.

Ngay tại nhiều cửa hàng có biển hiệu “Hàng Việt Nam xuất khẩu”, vẫn có những sản phẩm ghi “Made in China” hoặc có chữ Trung Quốc. Quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc còn được bày bán nhiều ở các vùng nông thôn, vì giá cả khá “mềm”.

Theo quy định của Bộ Công Thương, các loại vải, quần áo nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm nghiệm formaldehyde. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định đó chỉ có giá trị trên... giấy tờ, khi mà thị trường dệt may nội địa đang tràn ngập hàng Trung Quốc và không kiểm soát nổi.

Formaldehyde có thể gây ung thư

PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Khoa Hóa học (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết, formaldehyde có khả năng diệt khuẩn và diệt nấm mốc rất cao nên được dùng để bảo quản các mẫu vật sinh học (ngâm xác) tránh bị vi khuẩn và nấm mốc phân hủy. Nó cũng được dùng để bảo quản các thứ tránh côn trùng phá hoại. Formaldehyde là chất dễ tan trong nước nên thường được bán trên thị trường ở dạng dung dịch 37% trong nước, gọi là foocmalin hay foocmon.

Formaldehyde là chất độc mạnh. Quần áo khi vận chuyển qua biên giới nhiều khả năng sử dụng foocmon để diệt khuẩn và côn trùng gây hại. Về tác hại của foocmon, năm 1995, Tổ chức Y tế Thế giới đưa chất này vào danh sách các chất có bằng chứng gây ung thư. Vì thế, khi tiếp xúc, mặc quần áo chứa chất này, người dùng có thể bị bệnh mạn tính, trong đó có ung thư.

Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khi tiếp xúc với quần áo chứa chất trên, có thể phát hiện bằng mùi đặc trưng như: Mùi hăng, khét như mùi thuốc, hóa chất. Do đó, người tiêu dùng không nên mua và sử dụng loại quần áo này. Ngoài ra, tránh mua quần áo nhiều màu sặc sỡ, vì có nguy cơ chứa nhiều chất nhuộm.

Thực tế, quần áo kém chất lượng xuất xứ từ Trung Quốc thường có đường may thưa, vải nhiều nylon hơn. Về tem mác, hàng Việt Nam in trực tiếp tên hãng trên cổ áo hoặc in trên mác vải gắn vào; còn hàng Trung Quốc thì chữ Trung Quốc thường in trên giấy, rối đính vào quần áo. Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Quần áo mua về nên giặt luôn và phơi dưới nắng cho khô ráo rồi mới sử dụng.

Kết quả nghiên cứu của Phần Lan cho thấy, phụ nữ tiếp xúc với foocmon 3 ngày/tuần có khả năng sảy thai cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, 70% phụ nữ sảy thai khi tiếp xúc thường xuyên với foocmon, so với không tiếp xúc là 17%. Nếu uống phải foocmon thì chỉ 1 liều 37ml là có thể tử vong.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm