Xuất xứ một đằng, mã vạch một nẻo

20/09/2015 - 15:48
Nhãn ghi xuất xứ sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng với quyết định mua sản phẩm đó hay không của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều sản phẩm ghi xuất xứ một nơi, trong khi mã vạch lại thể hiện sản phẩm

Gần đây, tôi đến một siêu thị điện máy lớn hàng đầu TPHCM để tìm mua một chiếc lò nướng. Người nhân viên bán hàng giới thiệu ngay một chiếc lò nướng hiệu Candy, khẳng định “đó là hàng nhập nguyên chiếc từ Ý, chất lượng cực tốt”. Lấy làm ngạc nhiên khi chiếc lò nướng của Ý này giá chỉ gần 2,7 triệu đồng, nhỉnh hơn chút đỉnh so với những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc hoặc lắp ráp tại Việt Nam (với những thương hiệu nghe na ná như... tiếng Nhật, nhưng thực chất là trong toàn bộ sản phẩm không có nổi lấy một... con ốc do Nhật sản xuất), tôi gặng hỏi: “Nhập nguyên chiếc, hay chỉ nhập linh kiện rồi lắp ráp ở nước khác?”. Nhân viên bán hàng vẫn một mực: “Nhập nguyên chiếc từ Ý!”, và còn chỉ cho tôi xem miếng nhãn bằng kim loại ghi dòng chữ “Made in EU”.

Vẫn chưa hết thắc mắc, vì theo thông tin tôi được biết, những sản phẩm nhập linh kiện về lắp ráp bao giờ cũng được giảm thuế nhiều đáng kể so với sản phẩm nhập nguyên chiếc. Do đó, khó lòng có doanh nghiệp nào “sẵn lòng” nhập một sản phẩm có kích thước khá lớn, trọng lượng không hề nhẹ, để về bán với giá rẻ mạt đến như vậy - nhất là từ một nơi có chi phí sản xuất rất cao như EU. Để “chắc ăn” hơn, tôi đòi xem mã vạch trên sản phẩm, nhưng tìm mãi vẫn không thấy nơi in mã vạch. Cuối cùng, tôi tặc lưỡi chấp nhận mua sản phẩm, vì cũng không tìm thấy loại nào “khả dĩ” hơn.

Khi nhân viên giao hàng đưa sản phẩm tới, tôi thật sự bất ngờ khi thấy trên chiếc vỏ hộp của chính sản phẩm này in dòng mã vạch, bắt đầu bằng dãy số “893...” - mã vạch của Việt Nam! Vậy là rõ, sản phẩm này được lắp ráp tại Việt Nam, còn nguồn gốc của linh kiện thì... không biết!

Việc làm giả nhãn xuất xứ sản phẩm không phải là chuyện nhỏ, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia bị mạo danh, mà còn khiến thị trường bị nhiễu loạn. Ảnh minh họa: internet

Thật ra, đây không phải là trường hợp hy hữu. Trên thị trường, nhất là thị trường điện tử, điện gia dụng, có rất nhiều loại sản phẩm được dán vào những miếng nhãn (bắng giấy hoặc kim loại) ghi “made in USA”, “made in Germany”, hay gần đây phổ biến nhất là “made in EU”... nhưng khi lên mạng để tra xuất xứ của sản phẩm thì không tìm thấy những mã hàng như vậy. Anh Thành Trung, một người có kinh nghiệm trong việc “soi” xuất xứ sản phẩm, cho biết: “Việc in một miếng nhãn ghi xuất xứ ở đâu đó là điều hết sức dễ dàng. Một sản phẩm “dỏm” làm từ các hợp tác xã hương trấn ở Trung Quốc cũng có thể dán nhãn sản xuất tại Mỹ hay châu Âu. Điều này đã xảy ra rất phổ biến ở nhiều nhóm sản phẩm điện máy, thời trang. Tuy nhiên, việc in mã vạch lên sản phẩm lại khác. Về kỹ thuật thì không phải không in được, nhưng nếu mã “lung tung”, không đúng sản phẩm, thì người tiêu dùng có thể phát hiện ra bằng cách lên mạng tra. Do đó, không nhiều doanh nghiệp làm hàng dỏm dám “cả gan” in trực tiếp mã vạch lên sản phẩm. Khi mua những sản phẩm không có mã vạch thì phải cẩn thận, rất dể “dính” hàng dỏm”.

Mặc dù vậy, anh Trung cũng lưu ý: Ngay cả những sản phẩm có mã vạch thì cũng phải xem xét kỹ. Có những loại hàng “nhái”, nhất là hàng có giá trị cao, được làm y hệt hàng thật, sao chép cả mã vạch, dễ dàng đánh lừa người mua.

Thiết nghĩ, việc làm giả nhãn xuất xứ sản phẩm không phải là chuyện nhỏ, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia bị mạo danh, mà còn khiến thị trường bị nhiễu loạn; và còn có thể đi kèm với hành vi trốn thuế, gian lận thương mại... Vì lợi ích người tiêu dùng, chỉ mong các cơ quan chức năng sớm kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm