Quan niệm nuôi con của những bà mẹ Trung Quốc qua các thế hệ

Kim Ngọc
10/06/2022 - 10:38
Quan niệm nuôi con của những bà mẹ Trung Quốc qua các thế hệ

Ảnh minh họa

Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nơi động lực bình đẳng giới góp phần tạo ra những thay đổi và trao quyền lựa chọn cho phụ nữ, việc làm mẹ có thể bao gồm nhiều vấn đề hơn, từ thay đổi ngoại hình cơ thể, tạm biệt thanh xuân, cân bằng công việc - cuộc sống đến cảm giác bản thân mất đi giá trị.

Và mặc dù việc làm mẹ thay đổi nhiều điều trong cuộc sống của phụ nữ, họ vẫn luôn tự hào khi trở thành mẹ. Theo một cách nào đó, việc nuôi dạy con cái đối với họ chính là trưởng thành cùng con và thay đổi cách nuôi con độc đoán cổ hủ của thế hệ trước.

Ước mong cho con gái một gia đình hạnh phúc

Bà Vương, một giáo viên hưu trí 58 tuổi, hiếm khi dạy con gái nấu ăn, may vá hay dọn dẹp nhà cửa vì không muốn con sống cuộc đời như bà. Sinh ra trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), bà Vương là con thứ ba trong gia đình có 6 người con, cha của bà là người có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hằng ngày chị em bà làm đất, xay bột, chăn gia súc; thường xuyên bị cha mắng và đánh đập bất cứ khi nào ông không hài lòng. Hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ và tính tự lập, mẹ của bà cố gắng vay tiền để con gái được đi học.

Bà Vương sau đó trở thành giáo viên rồi lập gia đình. Khi có con gái đầu lòng, bà tự nhủ: "Tôi quyết định không bao giờ để con phải trải qua tình cảnh như chị em tôi". Tuy nhiên, gia đình chồng bà vẫn thích con trai hơn. Năm con gái lên 7 tuổi, họ đón thêm một bé trai. Con gái bà Vương là người đầu tiên trong làng học trung học ở thành phố. Dần dà, nhiều cha mẹ cũng bắt đầu tạo cơ hội cho trẻ em gái tiếp cận môi trường giáo dục tốt hơn. "Nhiều năm trôi qua, chồng tôi cũng thay đổi nhưng vẫn thích con trai hơn. Ông ấy cho con gái ngôi nhà cũ ở quê trong khi con trai sở hữu căn hộ mới trong thị trấn. Tôi đã bí mật mua cho con gái một ngôi nhà ở ngoại ô Bắc Kinh vì tôi muốn con bé cảm thấy mình được đối xử bình đẳng trong gia đình".

Không đặt nhiều áp lực cho con

Cô Lý, nhân viên văn phòng, từng là một người vô tư cho đến khi có con ở tuổi 30. Lý sinh con vào tháng 9 năm 2020, giữa lúc đại dịch bùng phát. Để phòng lây nhiễm Covid-19, chỉ có một y tá được chỉ định để chăm sóc bệnh nhân. Ba ngày đầu tiên sau khi sinh là khoảng thời gian khó khăn nhất với Lý, cô nói: "Một khi đã trở thành mẹ, sẽ không có cách nào quay lại".

Đứa trẻ ra đời khiến Lý thay đổi rất nhiều, cô cảm thấy có lỗi mỗi khi tăng ca. Lý quan tâm đến từng chi tiết về con, kỳ vọng rất nhiều ở con, thậm chí còn nghĩ đến việc cho con học trường mẫu giáo nào khi cậu bé chỉ vài tháng tuổi. Tuy nhiên, khi con lớn hơn, những kỳ vọng đó ngày càng vơi dần. Cô chia sẻ: "Tôi chỉ muốn con lớn lên hạnh phúc trong một gia đình yên ấm đầy yêu thương. Bố mẹ tôi đã ly hôn và mẹ tôi đặt nhiều hy vọng vào tôi. Cách nuôi dạy con nghiêm khắc của bà khiến tôi nhiều lần thấy ngột ngạt. Bây giờ tôi đang thử một cách tiếp cận khác để nuôi dạy con mình".

Giáo dục con tự lập và đặt niềm tin ở con

Cô Hứa, một giám đốc điều hành, người làm mẹ ở tuổi 35, luôn giáo dục con gái tự lập. Cô để con gái tự làm bài tập về nhà và tự trình bày với giáo viên nếu gặp vấn đề. Cô và chồng cho rằng, việc bồi dưỡng cho con trẻ thói quen tự chịu trách nhiệm về những việc chúng làm rất quan trọng. Con gái của cô Hứa là người thích chơi game. Cô từng lo lắng con sẽ nghiện game nhưng vẫn chọn để con có tự do và trên thực tế cô bé đã tự học được cách kiểm soát bản thân trong việc chơi game. Hứa cho rằng niềm tin đối với con cái là điều thật sự cần thiết.

Cô Hứa làm việc chăm chỉ vì tin rằng một người mẹ mạnh mẽ, độc lập sẽ là hình mẫu cho con gái noi theo. Dù bận rộn đến đâu, Hứa vẫn luôn bên cạnh con gái mỗi cuối tuần và dành thời gian cho gia đình. "Tôi tôn trọng cá tính của con gái, tin tưởng và giám sát vừa phải là phương pháp làm mẹ của tôi. Trên hết, tôi tin rằng việc trở thành một bà mẹ tự lập có thể đóng một vai trò tích cực trong tương lai của con", Hứa chia sẻ.

Dạy con dũng khí và sức mạnh

Bà Lâm, một giáo sư có 22 năm làm mẹ, từng có một người "mẹ hổ". Thời thơ ấu, bà sống trong sự mắng nhiếc và trách móc từ mẹ. "Dù tôi là học sinh giỏi, dù đạt học bổng hạng nhất đại học, dù học tiến sĩ nhưng mẹ chưa bao giờ khen ngợi tôi. Đó là lý do tại sao tôi luôn cảm thấy tự ti trong suốt cuộc đời mình. Tôi luôn muốn được mẹ công nhận trong 20 năm đầu đời và được chồng công nhận sau khi kết hôn. Cuộc sống như vậy thật tệ, vì vậy tôi muốn con gái khi lớn lên là một người có dũng khí và sức mạnh".

Bà Lâm không trách con khi không hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn, dạy con cách đối mặt với những kẻ bắt nạt ở trường mà không làm tổn thương mình. Khi bà và chồng ly hôn vì bạo lực gia đình, con gái luôn ủng hộ mẹ. "Tôi đã tham gia các khóa học tâm lý để chữa lành cho bản thân và con gái. Tôi liên tục nói với con rằng nhiều người nổi tiếng cũng đến từ những gia đình đơn thân, rằng con không thiếu thốn tình cảm của một người cha và việc đến từ một gia đình có cha mẹ ly hôn không khiến con bé thua kém những đứa trẻ khác".

Nguồn: CGTN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm