Quyền lợi mới cho lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đinh Thu Hiền
04/02/2025 - 16:52
Quyền lợi mới cho lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Công nhân Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TPHCM) - Ảnh: Hồng Đào

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đã kế thừa những quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và bổ sung nhiều điểm mới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nữ.

Nhiều điểm mới bổ sung

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 đã kế thừa những quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 và bổ sung nhiều điểm mới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nữ.

Thứ nhất, bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Khoản 5 Điều 50 Luật BHXH 2024 quy định, lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh là điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Đây là quy định mới so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, góp phần bảo đảm quyền lợi của lao động nữ.

Thứ hai, tăng thêm 01 ngày hưởng chế độ thai sản khi khám thai; đồng thời quy định số lần nghỉ tối đa là 05 lần (thay vì quy định cứng là 05 lần). Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai như sau: Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày; Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thứ ba, quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con. Để bảo vệ sức khoẻ của lao động nữ trong trường hợp sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã sửa đổi giới hạn của tuần tuổi thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa 40 ngày và 50 ngày. Theo đó, lao động nữ được nghỉ tối đa 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi; tối đa 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên. Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo Luật BHXH năm 2024 mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.

Thứ tư, sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết. Để bảo đảm phù hợp, khả thi, Luật BHXH năm 2024 đã bỏ quy định: "Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động". Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ khi sinh con mà con chết, khoản 4 Điều 53 Luật BHXH năm 2024 quy định trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số thai bao gồm cả con sống, con chết và thai chết.

Thứ năm, bổ sung một số quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người chồng khi vợ sinh con. Khoản 2 Điều 53 Luật BHXH năm 2024 quy định, lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian như sau: 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi. Trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp sinh ba trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ thêm 03 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi. Đồng thời, khoản 3 Điều 53 Luật BHXH năm 2024 quy định, ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định nêu trên phải trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con, trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định nêu trên.

Ngoài ra, Luật BHXH năm 2024 bổ sung quy định người lao động được quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. Khoản 2 Điều 84 Luật BHXH năm 2014 quy định sử dụng quỹ BHXH để đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành. Để quy định rõ ràng, cụ thể hơn về vấn đề này, điểm c khoản 2 Điều 119 Luật BHXH năm 2024 quy định sử dụng quỹ BHXH để chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Quyền lợi được bảo đảm

Chị Võ Thị Hãi, sinh năm 1987, hiện là Kỹ sư, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Xí nghiệp Liên doanh Vianco. Năm 2014 và 2021, chị lần lượt sinh 2 con và được hưởng các chế độ thai sản khi nằm cữ: "Tôi được nhận đầy đủ chế độ thai sản 6 tháng lương, được nghỉ cữ cũng đủ 6 tháng. Sinh bé đầu, tôi được nhận khoảng hơn 19 triệu đồng; sinh bé thứ hai tôi nhận được gần 50 triệu đồng", chị Hãi cho biết.

Quyền lợi mới cho lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)- Ảnh 1.

Chị Võ Thị Hãi (bìa trái) cùng các công nhân tại Xí nghiệp Liên doanh Vianco

Khi biết Luật BHXH sửa đổi có bổ sung nhiều điểm mới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nữ, đặc biệt liên quan tới việc nghỉ và hưởng chế độ thai sản thì Hãi cho rằng "điều này quá tốt". Chị cho biết, lương công nhân mới vô làm tính trung bình khoảng dưới 10 triệu đồng thì họ sẽ nhận được khoản tiền cũng khá để lo cho kinh tế gia đình, nuôi con mọn.

Theo luật sư Lương Thị Hoàng Yến (Đoàn Luật sư TPHCM), việc lao động nữ được tăng thời gian nghỉ thai sản (cụ thể hóa thời gian và đối tượng áp dụng) là một trong những điểm nổi bật của Luật BHXH sửa đổi. Nếu nghỉ thai sản thông thường thì lao động nữ sinh con vẫn được nghỉ 6 tháng như quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu sinh đôi trở lên, thời gian nghỉ sẽ được tăng thêm 1 tháng cho mỗi con từ con thứ hai trở đi. Trong trường hợp đặc biệt, lao động nữ sảy thai, phá thai, hoặc thai chết lưu từ 22 tuần tuổi trở lên sẽ được hưởng chế độ nghỉ như khi sinh con. "Lần đầu tiên, Luật BHXH sửa đổi quy định rõ quyền lợi cho lao động nữ trong trường hợp phá thai, bao gồm cả phá thai bệnh lý và tự nguyện. Thời gian nghỉ này đã bao gồm cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần. Quy định này nhằm giúp lao động nữ có thời gian phục hồi sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần", luật sư Lương Thị Hoàng Yến đưa ý kiến.

Cũng theo luật sư Hoàng Yến, Luật BHXH 2024 đã thông qua các quyền lợi mới cho lao động nữ ở khu vực phi chính thức. Theo đó, phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức (lao động phổ thông, tự do, không ký hợp đồng lao động) nay được hưởng thêm nhiều quyền lợi. Họ sẽ có cơ hội được hỗ trợ trong trường hợp mất việc làm.

Phân tích về việc trợ cấp thai sản cho lao động nữ, luật sư Lương Thị Hoàng Yến cho rằng, Luật BHXH năm 2024 cũng linh hoạt hơn. "Đối với lao động nữ trong khu vực phi chính thức, luật quy định chế độ trợ cấp thai sản một lần nếu đáp ứng các điều kiện sau: Đóng BHXH tự nguyện đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con; Mức trợ cấp là 2.000.000 đồng cho mỗi con, giúp giảm gánh nặng tài chính trong giai đoạn thai sản. Quy định này đã khuyến khích lao động nữ trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vừa bảo đảm quyền lợi trước mắt, vừa tạo nền tảng an sinh lâu dài", luật sư Hoàng Yến đưa ý kiến.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, anh Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam Corporation, cho biết: "Luật BHXH 2024 đã thay đổi theo hướng có lợi hơn cho người lao động cả nữ và nam, nhất là với lao động nữ khi mang thai và sinh con. Cần tuyên truyền rộng rãi, liên tục cho đối tượng trong độ tuổi sinh sản được hiểu và nắm rõ. Luật cũng thay đổi theo hướng có lợi hơn cho đối tượng đóng BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tôi đề nghị mức trợ cấp thai sản nên chi theo vùng, như lương tối thiểu vùng chứ không áp dụng đồng nhất 2 triệu đồng/trường hợp và có cơ chế tăng theo một tỉ lệ rõ ràng, ví dụ tăng khi lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng hoặc tăng theo mức lạm phát hàng năm khi Chính phủ công bố".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm