pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng cường đào tạo cho lao động nữ trong bối cảnh chuyển đổi số
Thách thức của lao động nữ trong bối cảnh kinh tế số
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cải cách mạnh mẽ nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phần mềm quốc tế, tăng cường tinh thần kinh doanh, phát triển các thành phố thông minh, tăng cường các cơ chế chính sách và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở khởi nghiệp (start-up), đầu tư mạo hiểm và tăng cường đào tạo công nghệ thông tin.
Mặc dù nền kinh tế số có thể mang đến cơ hội việc làm mới với thu nhập cao nhưng cũng mang đến rất nhiều thách thức đối với an ninh, việc làm của phụ nữ, đặc biệt trong quá trình dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Theo như nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế, dự kiến sẽ có khoảng 800 triệu nhân công trên toàn thế giới mất việc làm vì robot và tự động hóa vào năm 2030, tương đương 1/5 lực lượng lao động toàn cầu hiện nay. Bản chất của cuộc cách mạng này là đưa trí tuệ nhân tạo - những cỗ máy thông minh vào các dây chuyền sản xuất để thay thế cho con người. Khi điều đó xảy ra, nhiều công nhân lao động đang trực tiếp đứng máy sẽ bị thay thế bởi các cỗ máy dẫn đến tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.
Trên thực tế, các ngành công nghiệp có thâm niên lâu đời ở Việt Nam như ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử… phần lớn sử dụng lao động là nữ, có nhà máy sử dụng tới 80%-90% lao động nữ. Điều đáng nói, đây cũng chính là những lĩnh vực sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo một cách triệt để nhất.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là nhiều công nhân nữ vẫn chưa nhận thức được những nguy cơ này. Họ vẫn quen với công việc giản đơn hàng ngày và thiếu động lực để học hỏi, nâng cao tay nghề. Chị Nguyễn Thu Huyền, công nhân tại KCN Sài Đồng (Q.Long Biên, Hà Nội) cho biết, công việc của mình khá đơn giản và không cần phải học thêm. Với quỹ thời gian hạn hẹp còn lại, chị chỉ có nhu cầu nghỉ ngơi khi về nhà. Câu chuyện của chị Huyền là minh chứng cho tình trạng thiếu sự chuẩn bị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh các thách thức về việc thiếu kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp, rủi ro an ninh mạng cũng là một vấn đề nghiêm trọng mà lao động nữ phải đối mặt. Theo bà Vũ Thị Thu Hồng, Cán bộ Chương trình Phụ nữ, Hoà bình và An ninh, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, phụ nữ dễ bị lừa đảo và xâm phạm thông tin cá nhân trên không gian mạng. Họ thường là mục tiêu của các hành vi lừa đảo, quấy rối và xâm phạm quyền riêng tư trên mạng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của họ mà còn có thể cản trở sự tham gia hiệu quả vào các hoạt động trực tuyến, bao gồm làm việc và kinh doanh.
Khuyến nghị cho công đoàn để hỗ trợ lao động nữ trong nền kinh tế số
Để đối phó với nguy cơ lao động nữ mất việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công đoàn các cấp và cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp cụ thể. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đào tạo cho lao động nữ về những thay đổi trong thị trường lao động. Việc nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc nâng cao tay nghề là cần thiết để lao động nữ có thể bảo vệ công việc của mình.
Khi nền kinh tế ngày càng tự động hóa, những ngành nghề truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi công nghệ. Để "không ai bị bỏ lại phía sau", lao động nữ cần chủ động thay đổi, nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Trong đó, đào tạo kỹ năng số là yếu tố tiên quyết giúp phụ nữ có thể tiếp cận và tham gia vào nền kinh tế số. Các cấp Công đoàn cần tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các công cụ kỹ thuật số, lập trình và quản lý dữ liệu. Điều này sẽ giúp lao động nữ có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, đặc biệt là đối với những nhóm lao động nữ yếu thế như phụ nữ cao tuổi và phụ nữ dân tộc thiểu số.
Công đoàn cũng có thể tạo ra các kênh kết nối và giao lưu giữa các lao động nữ để tạo cho họ cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và hỗ trợ nhau trong công việc. Các sự kiện kết nối, các nhóm hỗ trợ và các diễn đàn trực tuyến sẽ giúp nữ lao động phát triển mối quan hệ chuyên môn và tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu là bảo vệ quyền lợi lao động nữ trong môi trường số, đặc biệt là vấn đề an toàn thông tin và quyền riêng tư. Công đoàn cần đề xuất các chính sách bảo vệ lao động nữ khỏi các mối đe dọa an ninh mạng, đảm bảo quyền lợi cá nhân và bảo vệ sự an toàn khi tham gia các hoạt động trực tuyến. Các chương trình hướng dẫn về bảo mật thông tin cá nhân và phòng chống tội phạm mạng cũng cần được triển khai để giúp lao động nữ tự bảo vệ mình trong môi trường số.
Chị Trần Thu Phương, nhân viên marketing tại một công ty công nghệ ở Hà Nội tham chương trình đào tạo kỹ năng số dành cho người lao động, cho biết: "Ban đầu, tôi cảm thấy mình không đủ khả năng để học các kỹ năng kỹ thuật như lập trình hay phân tích dữ liệu nhưng nhờ sự hỗ trợ của công đoàn và công ty, tôi đã tham gia các khóa học trực tuyến về công nghệ thông tin. Điều này đã thay đổi hoàn toàn cách tôi làm việc và giúp tôi mở rộng cơ hội nghề nghiệp".
Sau khi hoàn thành khóa học về phân tích dữ liệu và học hỏi thêm các công cụ hỗ trợ công việc, chị Phương đã được thăng chức lên vị trí quản lý dự án công nghệ trong công ty. "Nếu không có chương trình đào tạo kỹ năng số từ công đoàn và công ty, tôi sẽ không có cơ hội vươn lên trong nghề nghiệp. Hiện tại, tôi cảm thấy tự tin hơn khi làm việc trong môi trường số và có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của công ty", chị Trần Thu Phương nói thêm.
Có thể thấy, mặc dù phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nền kinh tế số nhưng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức công đoàn, họ hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn này và tham gia vào nền kinh tế số một cách bình đẳng. Đào tạo kỹ năng số, tạo kết nối cộng đồng và bảo vệ quyền lợi chính là những sáng kiến quan trọng mà công đoàn cần triển khai để đảm bảo rằng lao động nữ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ.