pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chăm lo sức khỏe tinh thần cho lao động nữ

Đại diện Công đoàn Công ty TNHH May An Nam Matsuoka (Khu công nghiệp VSIP Nghệ An) trao hỗ trợ cho công nhân Trần Thị Hồng
Chị Trần Thị Hồng, 32 tuổi, công nhân Công ty TNHH May An Nam Matsuoka (Khu công nghiệp VSIP Nghệ An), là một trong số những lao động nữ đã trải qua nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống gia đình. Áp lực công việc cao, vấn đề tài chính đè nặng khi chồng chị không may bị tai nạn lao động qua đời, một mình chị nuôi mẹ già và 3 con nhỏ. Cuộc sống của gia đình chị đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi có 1 bé bị bệnh, thường xuyên phải đi viện chữa trị. Không ít lần rơi vào trạng thái căng thẳng, chị chia sẻ: "Có những lúc tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa. Có những lúc tôi đã muốn buông bỏ mọi thứ nhưng nghĩ đến con nhỏ nên lại dặn lòng cố gắng bước tiếp".
Qua nắm bắt tình hình đời sống của các công đoàn viên, các cán bộ công đoàn trong nhà máy đã phát hiện trường hợp của chị Hồng và hỗ trợ giúp đỡ. Lãnh đạo công đoàn đã có những buổi nói chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chị, đồng thời cũng thăm hỏi động viên tại nhà, tạo điều kiện cho chị có thêm công việc để nâng cao thu nhập, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho chị. "Nhờ có các anh chị trong công đoàn hỗ trợ, tôi đã giải toả được tâm lý và không còn những suy nghĩ tiêu cực. Tôi cảm thấy tinh thần thoải mái hơn, công việc cũng vì thế mà trở nên nhẹ nhàng hơn", chị Hồng tâm sự.
Câu chuyện của chị Hồng không phải là trường hợp hiếm hoi. Trên khắp các khu công nghiệp và nhà máy, đặc biệt là trong các ngành nghề nặng nhọc như dệt may, chế biến thực phẩm, công đoàn đã và đang triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lao động nữ. Những chương trình này không chỉ bao gồm các buổi tư vấn tâm lý mà còn là các lớp học về quản lý thời gian, giảm stress, tăng cường sự tự tin và kỹ năng giao tiếp.

Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần lao động nữ được Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam quan tâm
Lãnh đạo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho biết hầu hết lao động nữ tại các nhà máy, doanh nghiệp đều xuất thân từ nông thôn, ít có điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội, nên kỹ năng sống còn hạn chế. Chính vì vậy, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo nhiều sân chơi bổ ích cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền giúp chị em nâng cao kiến thức về pháp luật, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới; tổ chức các buổi sinh hoạt, trò chuyện, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, biết san sẻ công việc với người thân trong gia đình để giảm nhẹ gánh nặng công việc, giúp các chị có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội và nâng cao đời sống tinh thần cho chính bản thân.
Đặc biệt, công đoàn còn chú trọng việc hỗ trợ phụ nữ lao động trong các tình huống khó khăn đặc biệt, chẳng hạn như khi gặp phải các vấn đề về bạo lực gia đình hay khủng hoảng tâm lý do mất việc làm, bằng cách cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý miễn phí. Các hoạt động này không chỉ giúp phụ nữ giảm bớt căng thẳng mà còn tạo ra một không gian để các chị em có thể giao lưu, chia sẻ những khó khăn, từ đó tạo dựng sự gắn kết giữa các thành viên trong tập thể.
Theo Kết quả khảo sát của ManpowerGroup (Tập đoàn tuyển dụng và dịch vụ nhân sự đa quốc gia hàng đầu thế giới) công bố trong báo cáo Lao động nữ mong muốn gì? - What Women Want @ Work? nhân dịp Quốc tế phụ nữ (8/3/2023), cứ 3 lao động nữ thì có 1 người mong muốn người quản lý thấu hiểu hơn về sự ảnh hưởng của khối lượng công việc đến sức khỏe tinh thần của họ. Báo cáo này tổng hợp kết quả khảo sát ý kiến từ 4.000 lao động nữ đến từ 6 quốc gia: Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và khu vực Bắc Âu.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, những lao động nữ tham gia khảo sát mong muốn công việc trong tương lai của họ sẽ cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống; được linh hoạt thời gian bắt đầu và kết thúc công việc mỗi ngày (điều này còn quan trọng hơn cả chế độ làm việc từ xa); công việc ổn định - không phải lo lắng về nguy cơ mất việc.

Các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là sức khoẻ tinh thần cho nữ lao động được các cấp công đoàn tích cực quan tâm
Họ cũng mong muốn sự bình đẳng tại nơi làm việc bất kể độ tuổi, chủng tộc, giới tính...; thêm cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng. Đồng thời, mong muốn giảm bớt số ngày cần có mặt tại văn phòng, 35% lao động nữ sẵn sàng giảm 5% mức lương của mình để đổi lấy 4 ngày làm việc/tuần hoặc giảm 16% lương nếu được làm việc từ xa.
Chia sẻ với về những nỗ lực của công đoàn trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lao động nữ, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng ban Nữ công - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: "Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lao động nữ là một phần quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Chúng tôi nhận thức rằng nếu sức khỏe tinh thần của người lao động không được chăm sóc đúng mức, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng".
Bà Đỗ Hồng Vân cũng nhấn mạnh rằng, công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lao động nữ, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi mà nhiều lao động nữ phải đối mặt với gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình. "Chúng tôi cam kết sẽ triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ tâm lý, tổ chức các buổi hội thảo về sức khỏe tinh thần, giúp người lao động nữ có thể vượt qua khó khăn và phát triển bản thân một cách toàn diện", bà Vân cho hay.