pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề nghị có chính sách việc làm với lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, thảo luận tại hội trường
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 27, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại văn bản số 15/CTQH ngày 29/10/2024 về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, trên tinh thần cơ bản không quy định thủ tục hành chính, hồ sơ, trình tự thủ tục trong luật mà giao cho Chính phủ, các Bộ quy định.
Theo đó, đại biểu Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cụ thể như các thủ tục hành chính như: Trình tự đăng ký lao động (Điều 23); điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động (Điều 25); trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Điều 63); trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 66); trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nâng cao tay nghề (Điều 74, Điều 77)…
Về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ đồng tình với các chính sách trong dự thảo luật. Cụ thể như: Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm theo hướng bền vững; Có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập; Phát triển chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động; Có chính sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề; Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển đổi số;
Đặc biệt khoản 8, Điều 5, Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.
Với Điều này, đại biểu Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm chính sách việc làm với đối tượng lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nhằm tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo quyền lợi của phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ.
Cũng bày tỏ thống nhất với 9 chính sách về việc làm quy định tại Điều 5, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng: khoảng trống trong việc tạo việc làm cho người khuyết tật khi đã được học nghề, có năng lực làm nghề. Theo đó, dự thảo không chỉ tạo cơ hội cho người khuyết tật được thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động, để tự tạo được việc hoặc tìm kiếm được việc theo nhu cầu, ổn định đời sống mà cần có chính sách để tạo điều kiện cho họ vươn lên, tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.
Theo đó, đại biểu Huy đề nghị bổ sung các quy định để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật. Đồng thời, tại mục 7, Chương 7, về hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật, ngoài các quy định về hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện hỗ trợ, trình tự thủ tục hỗ trợ, thì cần bổ sung chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật tạo việc làm cho người khuyết tật khác.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bám sát 4 nhóm chính sách:
Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung: Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (từ Điều 27 đến Điều 33). Bổ sung quy định về đăng ký lao động (từ Điều 20 đến Điều 26). Bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm (Điều 48)
Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Trong đó, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56). Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 58); Sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trong đó, bổ sung mới Quy định về công nhận tương đương hoặc miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (Điều 41); (quy định hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho các đối tượng yếu thế, đặc thù (Điều 43).
Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Trong đó sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7); Mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10).