Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu

Năm nay mới 23 tuổi, nhưng Dương Ngọc Trường (SN 1997, quê xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã là ông chủ của một cơ sở, với 4 nhà máy sản xuất tinh dầu từ các sản phẩm nông nghiệp sạch. Cơ sở của Trường có 19 sản phẩm tinh dầu như sả, chanh, quýt, bưởi, húng,… mang thương hiệu Befine với doanh thu mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho 70 bà con nông dân với thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được thành công ấy là cả một chặng đường đầy gian khổ, thậm chí Trường đã phải bảo lưu kết quả học tập khi đang là sinh viên năm thứ 3, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ám ảnh

Thạch Sơn quê Trường là xã miền núi của huyện Thạch Thành. Cuộc sống người dân chỉ trông chờ vào nông nghiệp, trong khi đất đai chủ yếu là đồi núi nên còn nhiều khó khăn. Nhà Trường cũng vậy, bố mẹ làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu chỉ trông vào vài sào ruộng lúa nước. Để có thêm thu nhập cho gia đình, bố mẹ em canh tác thêm nhiều loại cây nông nghiệp theo hướng "mùa nào cây nấy". Trong đó, dưa hấu là cây thường xuyên được gia đình trồng vì thu nhập cao hơn những loại cây khác.

 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 1.

Hoa sen được thu mua để chế biến các sản phẩm tinh dầu (ảnh:NVCC)

Tuy nhiên, Việt Nam là nước cận nhiệt đới, người nông dân nếu muốn thu hoạch thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Với dưa hấu, thì người trồng còn phải phun thuốc BVTV nhiều hơn các loại rau củ khác, trung bình cứ 2-3 ngày, bố Trường lại đeo bình ra ruộng. Trong một lần phun thuốc, bố em bị ngất phải đưa đi viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết bị ngộ độc do thuốc BVTV, xét nghiệm trong máu cũng có độc tố của thuốc BVTV. Bố bảo, làm nông nghiệp nếu muốn có thu hoạch thì phải phun thuốc. Do đó, bố không muốn em làm nông nghiệp mà muốn con học hành để làm công việc liên quan đến bàn giấy. Câu chuyện của bố đã khiến Trường ám ảnh mãi.


 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 2.

Dương Ngọc Trường bên các sản phẩm tinh dầu từ nông nghiệp sạch (ảnh: Linh Trần)

Trường thi đậu vào Đại học Kinh tế quốc dân. Khỏi phải nói, gia đình vui mừng như thế nào. Sau năm học đầu tiên, Trường đã có kiến thức về công nghệ. Vì thế, em tập trung phát triển các fanpage của mạng xã hội facebook rồi bán lại cho người có nhu cầu. Khi có được chút vốn, Trường quyết định kinh doanh và đầu tư vào nông nghiệp sạch.

Chia sẻ quyết định đầu tư vào nông nghiệp sạch, Trường cho biết, xuất phát điểm từ nông thôn nên thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con nông dân. Vì thế, em muốn làm việc gì đó để giúp bà con thoát nghèo trên chính mảnh đất của mình. Tuy nhiên, Trường nhận thấy bà con nông thôn không thể thoát nghèo nếu vẫn sản xuất theo truyền thống. Bởi bà con thiếu kiến thức, thiếu thị trường. Sản phẩm làm ra cũng phải trải qua nhiều khâu trung gian nên nông dân chẳng được lời lãi bao nhiêu. Hơn nữa, Trường thấy nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng hướng về khu vực nông thôn. Ngay như ở Thạch Thành cũng có nhà máy đường Việt Đài, do Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư. Trường thấy rằng, họ đầu tư vào nông thôn vì thấy rằng có thể thu lợi. Họ làm được chắc chắn mình làm được.

"Mỗi khi ra đồng, em thấy người dân khi đi phun lẫn trong mù mịt thuốc BVTV nên suy nghĩ lắm. Họ cũng có thể sẽ giống bố em, cũng bị ngộ độc thuốc BVTV nếu cứ sản xuất như vậy. Tuy nhiên, bảo họ bỏ nghề nông thì không thể, bởi nông dân thì mãi mãi gắn bó với đồng ruộng. Vì thế, thay vì bỏ nông nghiệp, mình phát triển theo hướng sản phẩm sạch. Như thế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng quê hương  giàu đẹp" - Trường chia sẻ.

Thất bại là trải nghiệm

Năm 2016, Trường về quê, tận dụng đất nông nghiệp của gia đình và thuê thêm của người dân địa phương để trồng rau sạch. Trường mua lưới quây ruộng, làm hệ thống tưới nước tự động, cây trồng không phun thuốc BVTV, không dùng phân bón hóa học. Tuy nhiên, rau làm ra lá thường bị sâu cắn thủng lỗ chỗ. Chưa có thị trường, em đành mang rau ra chợ quê. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ mua bằng mắt, nên thấy rau nào đẹp là mua, còn rau của Trường xấu không bán được. Trường giải thích, đây là rau hữu cơ, không có thuốc BVTV. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là cái nhìn ái ngại của người mua rồi bỏ đi, bởi họ không tin trồng rau mà không phun thuốc BVTV. Trường nhận thấy, hàng tốt bán chợ là sai lầm mà cần phải có thương hiệu rồi đưa vào siêu thị. Nếu không có thương hiệu, thì không ai biết đến sản phẩm của mình.

 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 3.

Dương Ngọc Trường trên cánh đồng mùi già (ảnh: Linh Trần)

Không nản chí, Trường hợp tác với một người chú họ để sản xuất miến dong ở Bắc Kạn. Trường thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu để có quy trình sản xuất an toàn. Sản phẩm bán tốt, được nhiều người tiêu dùng trong huyện biết đến. Trường bàn với chú họ đầu tư làm thương hiệu miến rong theo quy trình sản xuất sạch, xin các giấy tờ hợp lệ để đưa vào siêu thị. Tuy nhiên, người chú chỉ muốn "ăn sổi", không dám đầu tư vì sợ tốn kém. Bất đồng chính kiến, cả hai quyết định dừng hợp tác.

Sau khi dừng sản xuất miến dong, Trường tiếp tục hợp tác với một thầy giáo cũ để sản xuất rượu gạo nếp hoa cau, rượu thuốc. Ban đầu, sự hợp tác thuận lợi, sản phẩm sản xuất ra bán rất tốt. Nhưng khi Trường đưa ra ý tưởng xây dựng thương hiệu rượu với giấy phép hợp lệ, chứ không phải làm "chui" thì thầy giáo không đồng ý. Bởi, nếu sản xuất rượu hợp pháp thì phải đóng thuế rất cao, đẩy giá thành lên (tăng 65%) bán sẽ khó, khả năng lỗ cao hơn. Vì vậy, mối lương duyên giữa hai người dừng tại đây.

 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 4.

Lá sả được thu mua để làm tinh dầu sả ((ảnh:NVCC)

Những lần sau đó, Trường đầu tư vào lĩnh vực tinh dầu. Từ bán nguyên liệu tinh dầu, sau đó bán lẻ tinh dầu và sản phẩm thiên nhiên rồi đầu tư Gotagreen mảng lá tắm. Tổng cộng, Trường đã đầu tư, hợp tác 7 lần, nhưng đều không mang lại kết quả như ý. Nhưng bù lại, Trường đã hiểu hơn về sản phẩm tinh dầu cũng như có thêm mối quan hệ liên quan đến sản phẩm.

"Sau mỗi lần thất bại, em cũng buồn. Nhưng rồi nghĩ lại, thương trường là chiến trường, nếu mình gục ngã thì sẽ thất bại nên phải cố gắng hơn. Hơn nữa, mỗi lần phải chấm dứt hợp tác, em cũng không xem đó là thất bại mà là trải nghiệm, cũng như trang bị thêm kiến thức cho những lần khởi nghiệp tiếp theo" - Trường chia sẻ.

Đột phá

Một lần về quê, Trường đi qua cánh đồng sả 1.000ha ở xã Thành Vinh (huyện Thạch Thành) đang độ thu hoạch. Trường thấy, người nông dân chỉ lấy củ sả và vứt lá sả, với cánh đồng hàng ngàn ha, số lượng lá phải bỏ đi rất lớn. Lúc đó, Trường nghĩ nếu có thể tái chế lá sả thành một dạng sản phẩm khác thì rất tốt, chứ bỏ đi như vậy rất phí. Sau khi tìm hiểu, Trường thấy lá sả chứa tinh dầu có thể tận dụng lá sả bỏ đi để sản xuất tinh dầu. Vì thế, em lại mày mò, nghiên cứu sản xuất tinh dầu sả.

 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 5.

Sản phẩm tinh dầu mang thương hiệu BEFINE (ảnh: Linh Trần)

Tháng 8/2027, Trường bắt đầu đầu tư sản xuất tinh dầu sả. Sau hàng trăm lần thử nghiệm thất bại, đến tháng 5/2018, sản phẩm tinh dầu xả mang thương hiệu Befine của Trường ra đời. Ngay từ lô hàng đầu tiên, Trường thăm dò thấy thị trường rất ưa chuộng và đánh giá cao nên mừng lắm. "Đây là sản phẩm em phải làm lâu nhất, phải 9 tháng mới ra được sản phẩm. Trong quãng thời gian đó, em đã phải làm đi làm lại hàng trăm lần. Có những lần tưởng như đã thành công nhưng rồi lại phải bỏ đi. Nhiều lúc nghĩ cũng nản, cũng muốn dừng. Nhưng rồi tâm huyết bao năm chẳng lẽ lại bỏ đi dễ thế nên lại cố. Có hôm ngồi nghiên cứu, làm việc đến 2-3h sáng rồi mới đi ngủ để rồi mới có được sản phẩm như bây giờ", Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất chưa có chi phí quảng cáo, Trường đưa sản phẩm lên mạng xã hội. Những ai nghi ngờ về sản phẩm của mình, Trường mời dùng thử. Sau khi dùng, khách hàng đều đánh giá tốt về sản phẩm tinh dầu sả Befine. Khách quen quay lại và giới thiệu cho những người khác. Sản phẩm bán tốt. Để đảm bảo thương hiệu, Trường đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài sả, Trường thấy các loại nông sản khác như quế, tràm, vỏ bưởi, vỏ quýt… cũng có lượng tinh dầu rất lớn. Vì thế, Trường vận động gia đình tham gia trồng các cây để làm tinh dầu theo hướng hữu cơ gồm: Bạc hà, tràm, ngải cứu, mùi già, hương nhu, sả, java. Đây là những cây ít sâu bệnh, có sức đề kháng tốt hơn, trồng được ở vùng lũ và liên kết với các vùng hoa quả sạch như bưởi, cam, quất, quýt. Trong số các sản phẩm đó, tinh dầu từ cây mùi già được các chuyên gia khen ngợi. Bởi loại cây này mang giá trị bản địa, truyền thống văn hóa của người Việt.

 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 6.

Mẹ là người động viên, an ủi Trường trong mỗi lúc khó khăn (ảnh:NVCC)

Đến năm 2018, Trường vay tiền của ngân hàng để xây dựng thêm cơ sở thứ 2, nâng cấp máy móc, công nghệ sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Năm 2019, Trường xây dựng xưởng thứ 3, thứ 4 rồi phát triển thêm nước hoa thiên nhiên như nước hoa hồng, nước hoa nhài, nước cất tía tô. Năm 2020, Trường sản xuất nước cất tỏi, tràm gió vào đợt dịch COVID - 19 nên hàng bán được rất nhiều. Thương hiệu Befine được các khách hàng lớn đặt hàng để sản xuất mỹ phẩm. Bán lẻ thì thâm nhập được vào các chuỗi đại học Y, đại học Dược, các cửa hàng, hiệu thuốc, thực phẩm sạch hữu cơ,… "Tại vườn ngải, tôi tiếp tục trồng theo hướng sạch hữu cơ để sản phẩm tinh dầu là tự nhiên nhất. Với tôi, đạo đức nghề nghiệp luôn phải đặt lên hàng đầu vì những sản phẩm này liên quan tới sức khỏe con người nên phải hết sức cẩn trọng", Trường nói.

Khó khăn nào ai hiểu

Để có được kết quả như hôm nay, Trường đã phải trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Trường kể, khi bày tỏ ước mơ kinh doanh, bố mẹ phản đối, mong con học xong làm văn phòng. Hơn nữa, sợ con làm nông nghiệp thì sẽ bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV. Tuy nhiên, sau khi thấy rõ niềm đam mê của con, gia đình dần ủng hộ. Khi khởi đầu sản xuất tinh dầu sả, Trường không có vốn, gia đình đã thế chấp sổ đỏ nhà đất cho ngân hàng để vay vốn giúp con. "Sau mỗi thất bại, bố mẹ lại gọi điện động viên, chia sẻ. Nhờ đó, em có thêm động lực để phấn đấu. Gia đình là chỗ dựa lớn nhất của em" - Trường nói.

Trường bảo, khi bắt đầu trồng, sản xuất cây tinh dầu, mình đã xác định Befine canh tác thuận tự nhiên không hóa chất nên nguy cơ bị sâu bệnh rất cao. Ví như cách đây ít lâu, khu vườn tràm thứ 3 của Trường còn tươi tốt, nhưng thoáng chốc, nó đã bị sâu bệnh mất 1/2 khu vườn. Mỗi lần bị sâu bệnh, Trường đều thuê người bắt sâu, tỉa lá. Bởi thế, nhiều khi chi phí sản xuất bỗng chốc tăng cao, giá thành bán ra có lúc còn lỗ.

 Quyết tâm thoát nghèo từ nông nghiệp, chàng sinh viên Bách khoa 7 lần khởi nghiệp thất bại nhận được cái kết có hậu  - Ảnh 7.

Người dân thu hoạch hoa bưởi để bán cho Trường làm tinh dầu bưởi (ảnh:NVCC)

Tuy nhiên, điều Trường bức xúc nhất là nhiều đơn vị kinh doanh bất chấp thủ đoạn, lợi dụng thị trường online mới mẻ để bán hàng giả, hương liệu pha trộn phá giá thị trường; dùng những hình ảnh sản xuất thực chất không phải của họ, lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng gây nhiễu loạn thị trường. Vì thế, khi một lọ tinh dầu tràm của Trường bán giá 80.000 đồng/10ml thì khách bảo sao bán đắt thế, những nơi khác bán có 20.000 đồng/lọ to đùng. Trường thấy chua chát, đành từ tốn giải thích là một tấn tràm được 3-4 lít dầu, chưa kể thời tiết, sâu bệnh và canh tác tự nhiên nên chi phí cao chứ không phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Dù vậy, Trường cũng chẳng biết khách hàng có thông cảm hay không. 

"Chặng đường phía trước dẫu còn chông gai, nhưng em sẽ cố gắng vượt qua. Em chỉ mong muốn làm sao sản phẩm từ nông nghiệp của mình có thương hiệu, được thị trường trong nước chấp nhận và ủng hộ, từ đó vươn ra thế giới. Khi đó, bà con nông dân sẽ cơ hội thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình", Trường chia sẻ.