Rà soát, bổ sung đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

H.Y
12/08/2021 - 19:25
Rà soát, bổ sung đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Ảnh minh hoạ: VNE

Ngày 12/8, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi được các Hội viên phụ nữ, người lao động và sử dụng lao động đặt ra, chủ yếu xoay quanh những thắc mắc về điểm mới, các mức hỗ trợ của gói 26.000 tỷ; công tác giám sát và sự công khai, minh bạch trong triển khai gói hỗ trợ; những khó khăn khi hỗ trợ lao động tự do, đặc biệt là lao động tự do chưa có xác nhận tạm trú tại địa phương; làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục, giúp người lao động nhận hỗ trợ nhanh và kịp thời hơn; xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động tự do hay không nếu còn tiếp tục giãn cách trong thời gian tới…

Được biết, từ khi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), dịch bệnh lan rộng ở mức độ toàn quốc, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế. Doanh nghiệp, người lao động phải tạm thời dừng việc, nhiều địa phương phải phong toả, giãn cách từng khu vực hoặc toàn bộ địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đời sống của hàng chục triệu người.

Trước tình hình này, Chính phủ đã sớm có những phương án để giải quyết những vấn đề khó khăn cho các nhóm đối tượng. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ra đời. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tham mưu xây dựng để kịp thời ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn.

Rà soát, bổ sung đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Hoài Đức - Trưởng phòng tổng hợp, Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, hiện đã có 28 tỉnh, thành phố phê duyệt và chi trả cho trên 90.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 300 lao động đang mang thai) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 100 tỷ đồng.

40 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tiền ăn cho 15.000 người là F0 và 55.900 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 3.700 trẻ em, với tổng số tiền ăn là trên 50 tỷ đồng. Các đối tượng hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên cũng đã và đang được hỗ trợ.

Điều đáng chú ý, 37 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 1 triệu lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác; 20 tỉnh, thành (chủ yếu phía Nam) đã hỗ trợ gần 897.000 người lao động tự do với tổng kinh phí gần 1.160 tỷ đồng.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các Phòng LĐ-TB&XH cũng cho biết, từ thực tế cho thấy, còn rất nhiều đối tượng khác bị ảnh hưởng như các hộ có hoàn cảnh khó khăn do dịch, rất dễ rơi xuống hộ cận nghèo hoặc nghèo, hay đối tượng người có công… Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù và đặc biệt, Bộ, Sở cùng các ban ngành cần cùng tháo gỡ với địa phương để mọi người dân đều được đáp ứng quyền lợi, "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tiếp thu các ý kiến, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm