James McCollum, nhà trị liệu tâm lý chuyên về các vấn đề của nam giới tại Thành phố San Francisco (Mỹ), cho rằng: "Một số công việc đòi hỏi những đặc điểm vốn được coi là nữ tính như quan tâm và đồng cảm. Vì vậy, trị liệu tâm lý là một lựa chọn phù hợp đối với phụ nữ".
Theo Ryon McDermott, cựu Chủ tịch của Hội Nghiên cứu Tâm lý nam giới và nam tính thuộc Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phụ nữ trong lĩnh vực trị liệu tâm lý có vẻ như gây ra "tác dụng phụ" khiến một số nam giới quay lưng với ngành nghề này, ngay cả có những nam giới sẽ cảm thấy hứng thú. "Nhìn chung, đàn ông tránh xa các nghề được coi là nữ tính ngay cả khi chúng được trả lương cao. Một ví dụ điển hình là y tá. Nếu bạn muốn có việc làm và cơ hội tốt, nghề y tá là một con đường tuyệt vời nhưng đàn ông lại tránh nó như tránh tà", McDermott nói.
Ryon McDermott cũng đề cập tới yếu tố văn hóa khác hạn chế số lượng nhà trị liệu tâm lý nam là sự kỳ thị trong xã hội mà nhiều nam giới cảm thấy khi tìm kiếm các giải pháp điều trị cho sức khỏe tâm thần. Lâu nay, nhiều định kiến đòi hỏi nam giới phải mạnh mẽ khiến họ ít tìm đến sự trợ giúp của tâm lý trị liệu. Điều đó khiến cho ít nam giới có sự tiếp xúc với nghề này. Vì vậy, số lượng nam giới trở thành các nhà trị liệu càng ít hơn.
Curt Widhalm, một nhà trị liệu tâm lý lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở Thành phố Los Angeles (Mỹ) và là người dẫn chương trình phát thanh trên Internet The Modern Therapist's Survival Guide (tạm dịch: Cẩm nang Sống sót cho Nhà trị liệu Thời hiện đại), đưa ra thêm một vài nguyên do khác, chẳng hạn như phải làm việc vài năm với mức lương thấp trước khi được cấp giấy phép hành nghề; lượng nam sinh là thiểu số trong ngành tâm lý học khiến cho họ cảm thấy không được chào đón và do đó dễ bỏ học hơn…
Jett Stone, một nhà trị liệu tâm lý ở tiểu bang New York và Connecticut (Mỹ), người chuyên tiếp nhận các khách hàng là nam giới, nhận thấy rằng: Trong khi nữ quyền đã "được kết hợp khéo léo vào trị liệu tâm lý", đưa đến những cuộc thảo luận phức tạp về giới tính và tính dục của phụ nữ, thì những cuộc trò chuyện về nam giới, nam tính lại ít hơn nhiều. "Trên giảng đường, đào sâu hơn vào các vấn đề liên quan đến đàn ông và trẻ em nam vẫn hết sức hạn chế và miễn cưỡng", ông nói.
Jett Stone Stone chỉ ra rằng, việc các phương tiện truyền thông bàn luận về những chủ đề này là rất quan trọng vì điều đó sẽ dần xóa đi định kiến. Thực tế cho thấy, nam giới Mỹ có tỷ lệ tử vong vì các hành vi tự sát cao gấp bốn lần phụ nữ mặc dù tỷ lệ phụ nữ có các hành vi tự sát cao hơn. Lý do là nam giới thường dùng súng khi thực hiện hành vi này nên khả năng sống sót rất thấp.
Theo McDermott, sự cần thiết của các nhà trị liệu tâm lý nam "quan trọng tương tự như tầm quan trọng của sự đa dạng sắc tộc. Nam giới chiếm 49% dân số nhưng hiện nay họ chỉ chiếm khoảng 5 hoặc 10% học viên cao học ngành tâm lý học".
Ông cho biết, trong thời gian đào tạo của mình tại các phòng khám sức khỏe tâm thần, ông tự động được giao trị liệu cho tất cả bệnh nhân nam. Lý do là họ muốn làm việc với một người đàn ông khác. Điều này giống như đàn ông thích nói chuyện với bác sĩ nam về một số vấn đề tế nhị nhất định".
Daniel Ellenberg, một cựu Chủ tịch khác của Hội Nghiên cứu Tâm lý nam giới và nam tính thuộc Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, đồng ý với nhận định này. "Đôi khi đàn ông cần nói chuyện với một người đàn ông. Có một số vấn đề khiến đàn ông không thoải mái và xấu hổ".
Jett Stone Stone Stone cho rằng cần có sự thay đổi, "bởi 50% nam giới tử vong vì tự sát đã từng tiếp xúc với các chuyên gia sức khỏe tâm thần". Theo ông, vấn đề này nghiêm trọng đến mức một số nhà trị liệu không muốn điều trị cho nam giới, đặc biệt là nam giới có ý định tự sát. Nam giới cũng tham gia ít buổi trị liệu so với phụ nữ và bỏ dở sớm hơn.
76% nhà trị liệu tâm lý là phụ nữ và con số này đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Daniel Duane, Jasper Bear, Eitan Spanier và Mario de la Vega đều là những "đấng mày râu" vừa từ bỏ công thu nhập cao, lâu năm của họ để bắt đầu công việc trong ngành tâm lý học. Họ đang theo ngành tâm lý để trở thành những nhà trị liệu tâm lý khi thấy rằng công việc này cần thiết cho xã hội.
Ghi nhận từ các chuyên gia trị liệu tâm lý cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ nam giới Mỹ tìm kiếm liệu pháp tâm lý cũng đã tăng 30%.
Câu chuyện của họ phản ánh sự thay đổi trong thái độ của nam giới đối với nghề trị liệu tâm lý.
Ngược dòng lịch sử, không quá lâu về trước, tâm lý học từng là lĩnh vực được thống trị bởi nam giới với 75% văn bằng sau đại học ngành này thuộc về nam giới vào những năm 1950. Tuy nhiên, đến năm 1976, số lượng phụ nữ tham gia ngành nghề này tăng cao. Nửa thế kỷ sau, khi dân số Mỹ tăng hơn 100 triệu người và số lượng phụ nữ lấy các văn bằng sau đại học về tâm lý tăng gấp bốn lần, lên hơn 30.000, thì số lượng nam giới lấy bằng này vẫn trì trệ ở mức khoảng 7.500 mỗi năm trong suốt 45 năm qua.
Nói cách khác, ngay cả khi Mario, Eitan, Jasper và Daniel là những người báo hiệu cho một sự thay đổi lớn, thì vẫn có một rào cản vô hình nào đó đã ngăn chặn nam giới trở thành các nhà trị liệu tâm lý.
"Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để thu hút nam giới tham gia trị liệu?", Stone chỉ ra rằng việc tích cực tham gia rất quan trọng, bởi vì yếu tố cơ bản trong các liệu pháp thành công là "mối quan hệ trị liệu" - cảm giác tin tưởng và thoải mái giữa nhà trị liệu và khách hàng. Stone cho rằng cần có nhiều nhà trị liệu hơn với "cái nhìn thực tế về việc lớn lên với tư cách là một cậu bé, một người đàn ông". Theo anh, ít nhất, cần đào tạo các nhà trị liệu trong cách xây dựng mối quan hệ trị liệu với nam giới.
Khi được hỏi về động lực thúc đẩy những người đàn ông như Mario, Eitan, Jasper và Daniel chọn nghề nghiệp này, Stone nói, "trị liệu tâm lý đã dần ít bị kỳ thị hơn với nam giới trong cách nhìn của xã hội về nghề này. Nhiều người bàn luận về nó theo cách: "Ồ, tôi thấy bạn bè tôi đang làm điều đó. Tôi cũng sẽ làm vậy!".