Văn hóa - giải trí

'Rể chảnh’ qua giọng đọc Song Nghi

29/07/2018 - 08:00 AM
Mời bạn đến với Bài dự thi số 57, cuộc thi đọc truyện "Hạnh phúc gia đình" do Báo PNVN tổ chức, phần thể hiện tác phẩm "Rể chảnh" của tác giả Nguyễn Song Nghi (Phú Thọ).

Tôi xót Ly, con gái tôi lắm. Vợ chồng tôi lấy nhau muộn màng, sinh được mỗi đứa con gái là nó. Từ thuở nó sinh ra, bố mẹ chiều chuộng, cho ăn học tử tế, đầu tư cho học thêm nhiều môn, những mong con gái có nhiều kiến thức, ra đời không bị ai chê cười, khinh rẻ. Mong hơn nữa là lấy được người chồng tâm lý, biết chiều chuộng, nâng niu nó như bố mẹ đã nâng niu. Nào ngờ vừa học xong đại học, chưa có công ăn việc làm, nó đã yêu ngay một chàng kiến trúc sư khảnh khót nhà tận trên miền núi. Thế là chúng đòi cưới sau 2 lần chàng kiến trúc sư đến nhà tôi chơi.

Còn nhớ lần đầu Ly đưa bạn trai về, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Chỉ sợ con gái bị lừa tình hoặc mê muội vớ phải người chẳng ra sao thì khổ. Nhưng cũng may. Chàng kiến trúc sư tên Quỳnh này xem ra là người có học, lễ phép và hiểu biết. Chỉ có điều Quỳnh khá tự tin, coi tình yêu với Ly là do số phận và anh ta chấp nhận số phận. Trong cách nói chuyện, anh chàng tế nhị khoe khéo: “Nghề kiến trúc sư của chúng cháu là nghề sáng tạo nghệ thuật. Nhiều em mộng mơ vây quanh lắm nhưng em Ly may hơn cả”. Rồi Quỳnh khoe công việc phải đi nhiều, phải dồn tâm trí nhiều, phải thức khuya nhiều, phải phải phải… nhiều lắm.

Lần thứ hai đến chơi, Quỳnh xin phép được đưa bố mẹ đến thăm nhà tôi và bàn chuyện cưới hỏi. Lần này, chồng tôi hỏi thẳng: “Sao cưới vội thế? Em Ly đã có việc làm đâu?”. Quỳnh thưa: “Cháu sẽ lo việc làm cho Ly. Làm đàn ông mà không lo được cho vợ thì vứt!”. Chồng tôi hỏi thêm: “Nhỡ sinh con ngay thì rất vất vả. Liệu hai đứa có đủ kinh tế nuôi con không?”. Quỳnh lại trả lời dứt khoát: “Cháu sẽ nhận làm thêm công trình, sẽ đủ sống ung dung. Cháu không để cho Ly vất vả đâu ạ”. Tôi nghe vậy nhưng vẫn lo lắm, liền khuyên: “Thôi, cưới xong thì Quỳnh ở rể nhà bố mẹ đây cũng được. Vì Ly không thể lên Cao Bằng làm dâu nhà Quỳnh. Hơn nữa khi có con cái, chúng tôi sẽ chăm cho”. Nhưng Quỳnh chối phắt: “Cháu đã có kế hoạch thuê nhà rồi ạ. Chẳng gì cháu cũng là người sức dài vai rộng. Ở rể nhà vợ người ta cười cho”. Vợ chồng tôi nghe vậy khó chịu vô cùng nhưng đành im. Khi Quỳnh về rồi, tôi liền gọi con bảo: “Bố mẹ xem ra thằng Quỳnh rất sĩ diện. Kiểu này vì sĩ diện mà con khổ đấy”. Nhưng con gái tôi bênh ngay: “Anh ấy sống biết điều lắm, là người biết chiều con, bố mẹ đừng  lo”. Thôi có gàn cũng không được. Chúng tôi đành chấp nhận.

 

333.jpg
Ảnh minh họa
 

Sau ngày cưới cho con gái xong, chúng tôi mới thấy không hợp với chàng rể. Việc đầu tiên là chiếc xe máy còn tốt của Ly vẫn đi học mọi khi, Quỳnh bắt lại trả bố mẹ, không cho vợ mang theo vì sợ mang tiếng “con gái là cái bòn”. Việc thứ hai là hôm ấy, cỗ còn nhiều thứ ngon, tôi bảo Ly gói ít xôi, gà về vợ chồng ăn đêm cho đỡ đói, Quỳnh gạt phắt: “Chúng con không mang đồ thừa về đâu. Đêm đói, con đưa vợ con đi ăn phở”. Và cuối cùng là chuyện cái hòm phong bì người ta mừng. Quỳnh bảo: “Đám cưới phần đông là bạn bè của hai chúng con. Bố mẹ cứ để con đưa về nhà riêng kiểm. Cái nào họ mừng bố mẹ chúng con xin gửi lại không thiếu một xu”. Chồng tôi dù đã kiềm chế nhiều nhưng vẫn phải lên tiếng: “Bố mẹ có quan trọng gì đâu. Anh chị nhận rồi sau này mà đi trả nợ người ta kẻo bố mẹ già rồi không đi được”. Quỳnh không nói gì. Hôm sau anh ta đến xin lỗi bố mẹ vợ và thanh minh: “Con nghĩ con là trưởng phòng, tất yếu quân của con phải đi phong bì dày. Con cần kiểm để biết đứa nào thật lòng, đứa nào lợi dụng thôi”. Tôi và nhà tôi đành im chứ biết nói sao.

Sau ngày cưới, vợ chồng Ly ra ngay căn hộ chung cư do Quỳnh thuê để được tự do. Tuy chủ nhật 2 đứa vẫn về thăm chúng tôi nhưng rất ít khi ăn cơm. Lần nào mời, con rể cũng từ chối khéo. Lúc thì: “Nhà con hôm nay có khách phải về”, lúc thì: “Chúng con vừa ăn xong mới sang đây”, lúc lại bảo: “Bữa tối chúng con kiêng ăn nhiều”….

Còn bây giờ, con gái tôi chưa có việc làm đã sinh con được 1 tháng. Suốt 1 tháng qua, tôi thường xuyên đi về chăm mẹ con nó. Bình thường thì buổi tối tôi có thể ngủ lại nhưng cứ chiều Quỳnh đi làm về, gặp nó chỉ vài phút tôi đã thấy khó chịu, làm sao ở nổi. Ví như việc nó hỏi han vợ con (dù nó vẫn gọi điện thoại hỏi suốt ngày): “Em ăn uống có hợp khẩu vị không?”; “Thích ăn gì bảo anh mua, đừng kiêng khem quá kẻo mất sữa em nhé!”… Ô hay, việc ăn uống của vợ nó do tôi chăm bẵm suốt, nói vậy có khác gì không cần đến tôi. Có hôm, Quỳnh nựng con ngay trước mặt bà ngoại: “Ờ, mấy hôm nữa bố đón bà nội xuống trông cu Tít nhỉ? Có bà nội, cu Tít tha hồ được bế, mẹ cu Tít tha hồ được ngủ nhỉ?”. Nói thế đã làm tôi tự ái nhưng tôi nhịn cho xong. Thế nhưng, nó còn nựng con nó một câu nghe chối tai hơn: “ Ờ, bố thích nhất là cu Tít giống ông nội như lột. Con bố phải thế chứ. Phải đúng là con họ Đỗ chứ! Chả nhẽ giống hàng xóm à”. Hôm ấy tôi cứ như ngậm hòn sỏi trong miệng. Tức mà không nhổ ra được. Đến lúc vừa dắt xe đạp ra về, con gái gọi với: “Sáng mai mẹ đến, trên đường mua hộ con một bọc bỉm sơ sinh cho cháu giúp con mẹ nhé!”. Tôi vừa “ừ” thì con rể gàn luôn: “Thôi mẹ, để tối con đi mua. Con mua đúng loại xịn cho cháu sướng”. 

Tôi chẳng nói gì phi thẳng về nhà kể một thôi một hồi nỗi tức bực với chồng. Chẳng ngờ chồng tôi cười khùng khục rồi khuyên: “Nuốt cục tức ấy đi bà ơi mà ăn cơm, tôi đã dọn mâm rồi. Tức thằng đó thì tức cả đời. Mỗi lần tức cứ nghĩ đến con gái, cháu ngoại mình mà cho qua. Đấy bà xem, từ ngày cưới đến giờ nó đã mua cho vợ được cái xe máy đi làm đâu, đã xin được việc cho vợ đâu. Tôi biết nó chẳng có tiền nhưng nếu cho nó lại không nhận. Thôi, ta bán cái xe máy đi rồi bí mật đưa trả cho con Ly đi mua cái khác”. Tôi thấy phải nên chẳng nói gì.

Tôi đang ăn cơm thì có điện thoại. Chồng tôi cầm máy, hóa ra điện của thằng Quỳnh: “A lô bố à? Mẹ con vừa trên Cao Bằng xuống chăm cháu. Bố nói với bà ngoại từ mai được nghỉ, không phải sang chăm mẹ con nhà nó nữa bố nhé. May quá! Không thì mang tiếng cháu bà nội tội bà ngoại”. Chồng tôi không nói gì, chỉ ừ rồi dập máy. Tôi biết ông ấy cũng tức anh ách trong người mỗi khi nói chuyện với con rể, may mà không sống cùng nó. 

Tuần này, mời bạn đón đọc Hạnh phúc gia đình số 30, chuyên đề  Đòn ghen “bà hỏa” được phát hành ngày 27/7/2018 tại các sạp báo trên toàn quốc và bưu điện gần nhất, giá 8.000 đồng/cuốn.

Điện thoại đặt báo 24/7: 1800.585855.

hp.jpg
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn