pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yêu
'Rửa sạch nỗi khổ tâm' qua giọng đọc Tuệ Nghi
Trưa hôm ấy, đơn vị chở về một xe xi măng. Tôi chạy ra chợ lao động gọi người bốc dỡ xi măng vào kho. Vừa ra đến cổng, nhìn thấy một nam, một nữ đang ngó nghiêng vào trong. Người đàn ông mặc chiếc áo xanh cũ bẩn thỉu, người phụ nữ khoác trên vai một cái tay nải, gọn gàng, sạch sẽ trong chiếc áo cũ.
Nhìn thấy tôi, chị bước lên hỏi: “Bác ơi, có cần người bốc dỡ xe xi măng vừa vào trong đấy không?”. Tôi mừng rỡ, thế là khỏi phải đi xa: “Có, cô muốn làm hả?”. “Dạ, muốn làm quá đi chứ!”, người đàn ông phấn khởi nói. Anh ta móc thuốc mời tôi: “Chúng em vừa nãy đứng bên kia đường nhìn thấy xe chở xi măng vào đây. Nếu bác cần bốc dỡ, để hai anh em tôi làm”.
Tôi chỉ tay vào người phụ nữ: “Cô này?”. Tôi nghĩ bụng, một bao xi măng xấp xỉ 50 cân, hai thanh niên lực lưỡng bốc dỡ cả buổi chưa chắc đã xong, hai anh chị này... Thấy thái độ lần khần của tôi, có lẽ cô ta đoán ra ý nghĩ trong đầu tôi, cô vui vẻ nói: “Bác cứ yên tâm, việc này em làm quen rồi, em bảo đảm với bác sẽ làm nhanh gọn”. Người đàn ông đứng cạnh hùa vào: “Cô ấy làm được, em bảo đảm với bác”. Thấy thế, tôi không nỡ từ chối, rao giá xong dẫn họ vào trong.
Vào đến kho, tôi chỉ vị trí bốc dỡ với người đàn ông, còn người phụ nữ đi vào một góc khuất lấy chiếc áo không phân biệt rõ màu sắc từ tay nải nhanh nhẹn khoác vào người, chụp cái mũ lên đầu, vén tóc gọn gàng nhét vào trong mũ. Tôi vừa đi khỏi, hai người đã bắt tay vào việc.
Trong kho bỗng chốc bụi bay mù mịt, hai bóng người đi lại như con thoi. Không nói ra, không ai biết trong hai người bốc dỡ xi măng có một người là phụ nữ. Hơn một tiếng đồng hồ sau hai người đi ra mặt bám đầy bụi xi măng, thùng xe tải đã trống rỗng.
Tôi rót nước mời họ, bảo họ ngồi nghỉ cho đỡ mệt. Người đàn ông nói lời cảm ơn rồi cầm cốc nước ngửa cổ uống một hơi hết sạch. Người phụ nữ cười, hàm răng trắng bong: “Em ra rửa tay đã, bác cho em xin tý xà phòng”. Tôi đưa hộp xà phòng cho cô, chỉ vòi nước trong sân cách đấy không xa. Khi tôi quay ra thấy cô rửa tay xong, cúi đầu định lấy nước lã gội đầu. Tôi giật mình thốt lên: “Ấy chết, không được làm thế!”. Lời kêu thất thanh của tôi khiến cô giật mình, ngẩng mặt nhìn tôi ngơ ngác. “Cô không được dùng nước lã gội đầu, cô vừa làm người đầy mồ hôi, đụng vào nước lã dễ sinh bệnh lắm”. Tôi nghiêm nét mặt can ngăn. Quầng hồng hiện lên khuôn mặt cười tươi của cô: “Không sao đâu bác ạ, em thường làm thế mà”. Người đàn ông nói chen vào: “Bác cứ để mặc cô ấy, không gội đầu sạch sẽ, cô ấy không ra khỏi đây đâu”.
Tôi bực mình trừng mắt nhìn anh ta quở trách: “Anh này buồn cười thật. Cô ấy là vợ anh, anh không thương còn xúi làm bậy”. Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi rồi cười vang: “Tôi và cô ấy không phải vợ chồng, chỉ là bạn làm thuê làm mướn giúp đỡ nhau thôi. Nhưng tôi không xúi cô ấy làm bậy đâu nhá, cô ấy ưa sạch sẽ quen rồi”. Người phụ nữ mặt đỏ bừng luống cuống không biết nên làm thế nào. Tôi áy náy bảo: “Cô muốn gội đầu, tôi cho mượn chậu rửa mặt. Cô đi qua bên phải đến nhà bếp lấy nước nóng mà gội”. Mắt cô loé lên tia sáng vui mừng và hàm ơn, cảm ơn tôi rồi đi lấy nước nóng.
Đợi cô đi khỏi, tôi hỏi người đàn ông: “Chồng cô ta làm gì, sao nỡ để vợ đi làm cái việc cực nhọc thế này?”. Anh ta kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. Thì ra chồng cô trước đây cũng đi làm công nhật, một lần đi phụ nề đổ trần nhà từ trên giàn giáo ngã xuống gẫy chân. Để an ủi chồng và nuôi con, cô không nghe mọi người can ngăn, kiên quyết nhập vào đội ngũ làm thuê chúng tôi. Cô giấu chồng đi làm, mỗi lần xong việc, cô rửa ráy sạch sẽ để chồng khỏi khổ tâm và buồn rầu. “Tôi không giấu gì bác, anh em chúng tôi bảo nhau, bất cứ ai đưa cô ấy đi làm đều phải giúp cô ấy tận tình. Đàn bà làm việc này không dễ dàng gì. Cô ấy mà làm sao thì gia đình cô ấy đi tong”. Khi nói lời này giọng anh ta bình thản nhưng tôi lại xúc động, hết sức khâm phục tấm lòng kiên trinh của cô.
Đang nói chuyện, cô bưng chậu thau đi ra với mái tóc ướt mèn. Cô nhìn chúng tôi cười, đi vào góc khuất cởi chiếc áo bẩn trên người, gấp cẩn thận để vào tay nải, lấy gương tròn nhỏ ra chải đầu tết tóc đuôi ngựa. Vì biết nguyên nhân cô sửa sang gọn gàng, lòng tôi dâng lên niềm xúc động vô bờ bến.
Yêu một người là không muốn để người ấy khổ vì mình, yêu một người là không muốn để người ấy nhìn thấy mình khổ vì họ. Tình yêu chân thật là như vậy, dù khổ mấy cũng cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Một niềm vui nếu đem chia sẻ với người khác sẽ thành hai niềm vui; một nỗi khổ nhẫn chịu một mình vì người yêu mình và người mình yêu vẫn chỉ là một. Không nên để nỗi khổ tâm, nỗi buồn đau khuếch tán trong không gian tình yêu.