Đã hơn 2 năm thoát khỏi đòn roi và được ngủ ngon giấc, nhưng nét mặt chị Nguyễn Thị P. (SN 1980) ở huyện Yên Thế, Bắc Giang vẫn đôi lúc hoảng hốt. Nhớ lại những tháng ngày sóng gió ấy, chị P. rưng rưng: “Ở làng, 12h đêm nhà nào cũng ngủ say rồi nhưng nhà em thì vẫn canh cánh xem đêm nay được chồng cho ngủ ở đâu?”.
Những đêm bị chồng đánh, P. lại chạy bộ về nhà mẹ đẻ cách nhà 6 cây số. Hàng trăm lần chị bỏ chạy, thì cũng ngần ấy lần anh ta đến xin lỗi và đón vợ về vào sáng hôm sau, khi tỉnh rượu. Nhiều đêm đông giá rét cắt da cắt thịt, ai cũng muốn trùm kín chăn bông, thì mẹ con P. và cả mẹ đẻ của chồng không dám ngủ. 23 giờ đêm, T.-chồng P. bước thấp bước cao và giọng lè nhè, nồng nặc mùi rượu trở về nhà, tay vung gậy đuổi đánh cả mẹ đẻ và vợ con ra khỏi nhà, cho đỡ ngứa mắt.
“Vậy là mẹ chồng sang hàng xóm ngủ nhờ, 3 mẹ con em ngủ ở sân. Nếu ai cho mẹ con em ngủ nhờ đều bị chồng em đến đập phá, chửi bới cả nhà. Khi nghe tiếng ngáy của chồng, em mới dám dắt con vào bếp, đốt củi lên sưởi. 2 con gối vào đùi mẹ, còn em dựa vào cột, gà gật đợi trời sáng”, P. kể.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển bức xúc nói: “Theo tôi, cứ anh nào đánh vợ, thì phải loại bỏ khỏi thiên chức là “chồng” của anh đó. Nếu là người có chức quyền, thì không có tư cách làm lãnh đạo hay cán bộ. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ nạn nhân BLGĐ phải cần chính quyền vào cuộc tích cực hơn nữa và luật pháp phải nghiêm”.
Phải biết tự cứu mình trước tiên
Chị Nguyễn Minh Lý, Bộ Tư pháp, thừa nhận: Luật quy định, nạn nhân BLGĐ muốn được giúp đỡ, họ phải chứng nhận là bị chồng đánh, chứng minh được dấu hiệu bị bạo lực, tức là phải có video, hình ảnh, người làm chứng, sau đó phải có tổ chức có con dấu công nhận gia đình này bất hòa... Đây là một thách thức với các nạn nhân yếu thế bị BLGĐ khi lên tiếng kêu gọi giúp đỡ mình.
Chị Minh Lý chia sẻ thêm: Như trường hợp chị P. (Bắc Giang) bị chồng bạo hành ở trên, người chồng say rượu có thể ngang nhiên đuổi mẹ ruột, đuổi vợ con ra khỏi nhà. Rõ ràng, người có hành vi bạo lực lại có nhà ở, còn người bị bạo lực lại tay trắng, tài sản không có gì, nếu phải chạy ra khỏi nhà hoặc bị đuổi đi trong đêm thì càng dễ gặp nguy hiểm.
Trong khi đó, ở Philippines, nếu người chồng đã có hành vi đánh vợ thì anh phải là người ra khỏi nhà, không được xã hội bảo vệ. Còn người phụ nữ bị bạo lực được ở lại nhà mình, được bảo vệ, có người theo dõi và giúp đỡ họ.
Phát biểu tại Hội thảo tổng kết Dự án Xây dựng ứng phó quốc gia đối với BLGĐ (giai đoạn 2012-2020), bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: “Những phụ nữ dám lên tiếng, dám chạy ra khỏi nhà để thoát khỏi bạo lực của chồng đã là một sự can đảm đáng ghi nhận, động viên, để lần sau đó, chị em khác cũng phải biết tự cứu mình trước tiên”.
Cũng theo bà Liên, thực tế ở nhiều địa phương, khi xảy ra BLGĐ, có người lại cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình họ, không can thiệp. Chính quyền, công an nhiều khi cũng lơ là, các dịch vụ y tế hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo hành cũng không có.
“Tôi cho rằng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ tốt hơn, để nếu nạn nhân như chị P. ở trên bị chồng bạo hành còn biết chạy đến đâu và chữa trị ở nơi nào. Làm thế nào để các ban, ngành liên quan có cam kết cụ thể hơn. Chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân như về tư pháp đảm bảo quyền của nạn nhân, các dịch vụ y tế...”, bà Liên nhấn mạnh.