Rung động với "giờ học triệu view" của bà giáo gần 90 tuổi

03/01/2018 - 18:15
Cộng đồng mạng đang xôn xao vì clip cô giáo 87 tuổi Đàm Lê Đức (TP.HCM) với tiết học Đạo đức thu hút hàng triệu lượt xem sau khi đưa lên mạng. Sức hút nào để làm nên một “hiện tượng” giờ học triệu view này?

"Đốn tim" học trò bằng bài học dung dị đời thường

Đoạn clip là một phần tiết học đạo đức về đạo hiếu, công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Người giảng bài là cô giáo Đàm Lê Đức, giáo viên trường THCS-THPT Đức Trí  (TP.HCM). Bài giảng này đã được cô giảng từ cách đây hơn 10 năm và được đăng tải lại mới đây trên mạng xã hội.  Ngay lập tức, clip dài hơn 7 phút này thu hút hàng triệu lượt xem cùng sự tán thành tích cực từ phía người xem.

Chân dung cô giáo Đàm Lê Đức

Không “đao to búa lớn”, cùng với giọng giảng bài sang sảng, rõ ràng và có tiết tấu, cô Đàm Lê Đức hoàn toàn “đốn tim” những học trò vốn dĩ chẳng mấy hào hứng với môn học về đạo đức, giáo dục công dân.

“Trong suốt hành trình của cuộc đời, cha mẹ luôn là người thầy đầu tiên dạy cho con từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành và cho đến ngày nào người còn tại thế… Người đã đem hết sở học của mình, hết kinh nghiệm của mình để dạy các con với tất cả tình thương bao la, với nỗ lực triền miên…”.

Xen giữa các lời dạy là câu hỏi rất gần gũi dễ hiểu mà vô cùng thấm thía: “Vậy cô hỏi các con, trong ngày 20/11 đã người nào trong lớp của chúng ta biết mua một bông hoa để tặng cho người những người thầy đầu tiên của chúng ta là cha mẹ chưa”. Bên dưới lớp, vài tiếng “không ạ” vang lên.

Cô giáo lại tiếp tục bài giảng của mình: “Mẹ cô thường nói với cô rằng: Con ơi người ta thèm lòng chứ không thèm thịt… Nhưng mà, hình như bây giờ bày tỏ tấm lòng rằng con yêu mẹ quá, con yêu cha quá thì nghe chừng nó hơi xao xáo. Coi như mình lớn rồi mà thì nói câu đó khó lắm phải không các con? Con cũng chẳng cần phải một bông hoa đâu, có khi bằng một cử chỉ nào đó, âu yếm mà tặng ba mẹ thôi”.

Giảng đạo lý, đâu cần gì cao siêu!

Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 3/1, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, bản thân ông từng biết đến tấm gương của cô giáo Đàm Lê Đức trong những lần đi công tác tại TP.HCM. Biết công việc của cô làm nên ông càng trân trọng và khẳng định cô là tấm gương sáng để nhiều thế hệ thầy cô giáo noi theo.

TS Tùng Lâm cho rằng, môn Giáo dục công dân dù ở thế hệ nào, thời điểm nào thì đều có giá trị và tầm quan trọng như nhau. Xã hội càng hiện đại, hội nhập thì những giá trị này càng được khẳng định.

Khác biệt ở chỗ, thời điểm hiện tại, xã hội có quá nhiều biến động nên nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một. Những giá trị nhân văn tốt đẹp cần được tái xác lập nhưng học sinh bị phân tán quá nhiều nên điều này chưa được thực hiện tốt. Nhưng nếu bài giảng có sức lôi cuốn riêng như bài giảng của cô Đàm Lê Đức, chính các học sinh vẫn háo hức muốn được nghe giảng, clip vì thế vẫn hút hàng triệu view. Đây là điều mà không phải giáo viên nào cũng có thể làm được.

Những bất cập được TS Tùng Lâm đưa ra đối với môn học này, đó là các thầy cô giáo chỉ truyền tải đạo lý hết sức khô khan, yêu cầu mọi người thừa nhận nói chứ không phải là để các em tự nhận ra giá trị và làm theo. Thầy cô nếu đơn thuần truyền tải kiến thức như cách làm lâu nay thì khó thu hút học sinh. Bởi kiến thức bây giờ không còn có vị trí “độc tôn” như ngày trước, khi mà học sinh có rất nhiều kênh, nhiều nguồn để tiếp cận tri thức.

Để những tiết học đạo đức có sức cuốn hút, giáo viên phải biết vận dụng các câu chuyện có nội dung gần gũi với học trò - Ảnh minh họa.

“Quan trọng nhất chính là phương thức truyền tải các giá trị đạo đức của thầy cô giáo đến học sinh, cách tác động của thầy cô để học sinh tự nhận thức được chân lý, giá trị. Là giá trị chung của nhân loại nhưng phải có giá trị riêng của từng người”- ông nói.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để những tiết học đạo đức có sức cuốn hút riêng, thầy cô giáo cần có phương pháp truyền tải đến học trò, trong đó chống giáo dục áp đặt. Cùng với đó là kết hợp nhiều yếu tố: Thông qua câu chuyện, cuộc sống, các nội dung gần gũi với học trò, để các em tự khám phá. Ngoài ra, nên tổ chức hoạt động để học sinh thực hành thay vì phổ biến ghi chép tổng kết xong thì coi như kết thúc.

“Việc làm của cô Đàm Lê Đức rất đáng khích lệ, bởi cô rất sát với học trò, từ đó có cách dẫn dụ hay, lôi cuốn, và quan trọng là học sinh mong muốn được làm theo”- TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Nhiều năm trong công tác giảng dạy và quản lý, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngành giáo dục nước ta không hề thiếu các thầy cô giỏi, và nếu khiến họ để tâm với công việc thì bao giờ cũng tìm ra cách làm  hợp lý. Không cần bàn đến phương pháp cụ thể mà cần đặt ra bài toán cho các thầy cô để làm sao học sinh đến trường thấy hạnh phúc, thích thú với việc học, được nâng niu và khích lệ.

Theo ông, cách làm hiện nay vẫn là nặng về kêu gọi, chưa tạo điều kiện để thầy cô thực hiện và tâm huyết với nghề. Ngành giáo dục vừa phải đào tạo bồi dưỡng giáo viên, vừa biết chọn lọc các giáo viên giỏi, tạo điều kiện tối đa để họ phát triển. Cuối cùng vẫn là đãi ngộ xứng đáng để thu hút người tài, để giáo viên thấy rằng, là người thầy giỏi thì không có điều gì phải tiếc nuối.

Cô giáo Đàm Lê Đức đã 87 tuổi, từng giảng dạy tại khoa Toán thống kê - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, cô về đạo đức ở hai trường: cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS - THPT Đức Trí, TP Hồ Chí Minh. Hiện cô vẫn miệt mài trên bục giảng, không phải dạy kiến thức mà truyền đạt về đạo đức cho những thế hệ học sinh của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm