Cách đây ít lâu, chị Ngọc Thúy (nhân viên văn phòng ở quận 1, TP.HCM) đi ngang qua đường Hai Bà Trưng, thấy một số tiệm thời trang trương bảng rôn “mua 1 tặng 1”, thấy hấp dẫn nên ghé vào coi thử. Hàng ở tiệm phần lớn là đồ “sida” cũ rích, nhưng cố công lục lọi chừng 15 phút, chị cũng kiếm được một chiếc áo thun có giá 150.000 đồng còn khá mới, “nhân tiện” chọn thêm một chiếc khác cùng giá để “chuẩn bị” nhận quà khuyến mãi.
Chị Thúy hăm hở mang cả hai chiếc áo lại quầy trả tiền, nhưng lấy làm bất ngờ khi thấy phiếu tính tiền ghi cả hai chiếc áo với giá 300.000 đồng. Chị hỏi nhân viên thu ngân, thì nhận được một tràng cười ngặt nghẽo: “Cửa hàng nói mua 1 tặng 1 có nghĩa, mua một thứ này được tăng một thứ khác. Ví dụ, chị mua chiếc áo này thì được tặng một chiếc... kẹp tóc giá 50.000 đồng. Chứ cả hai cái áo này mà bán cho chị có 150.000 đồng thì cửa hàng em lỗ chỏng gọng à!?”. Nói rồi, cô đưa ra một chiếc kẹp tóc, loại ngoài chợ chỉ bán chưa tới 10.000 đồng. Chị Thúy hậm hực trả lại hai chiếc áo, bỏ đi.
Ngỡ ngàng và bực dọc sau khi mua hàng theo quảng cáo ‘mua 1 tặng 1’, chị Mai cũng đã không còn ‘dũng khí’ mua hàng theo kiểu đó nữa. Ảnh minh họa: internet
Cũng thời gian đó, chị Thanh Mai, bạn cùng phòng vói chị Thúy, tìm mua tivi. Thấy một siêu thị điện máy treo bảng “mua 1 tivi tặng 1 tivi”, chị mừng húm, vì nhà chị cũng đang cần tới hai chiếc tivi, một cho phòng ngủ của hai vợ chồng, một để ở phòng ăn. Vào siêu thị khảo giá, thấy giá những loại tivi có khuyến mãi cũng ngang giá phổ biến ở những nơi khác, chị quyết định chọn một chiếc LED có giá 8 triệu đồng, trong bụng khấp khởi: “Tính ra chỉ 4 triệu đồng một chiếc LED, chắc ông chồng mình phải ngạc nhiên lắm!”. Thế nhưng, khi chị trả tiền mua tivi thì nhân viên chỉ mang ra một chiếc LED theo đúng mẫu mã chị đã chọn, đồng thời khệ nệ bưng ra một chiếc tivi CRT (màn hình kính 21”, loại “cổ”), bảo là “tặng thêm”.
Chị Mai ngỡ ngàng, rồi từ ngỡ ngàng chuyển sang bực dọc: “Thời buổi này ai còn xài tivi CRT nữa mà tặng. Tôi cứ tưởng được tặng thêm một chiếc LED nữa thì mới mua chứ, rinh thêm cái “của nợ” này về chỉ tổ chật nhà”. Anh nhân viên từ tốn giải thích: “Chiếc CRT này tụi em tính giá 2 triệu đồng, coi như giá chiếc LED kia chỉ còn 6 triệu đồng thôi. Chị không xài thì để tặng cho ai đó ở quê cũng tốt mà!”. Chưa “hạ hỏa”, chị cau có đòi lại tiền rồi bước nhanh ra cửa siêu thị.
Mấy hôm sau, chị Thúy và chị Mai có dịp ngồi kể cho nhau nghe những chuyện “bực mình” đã gặp khi mua hàng khuyến mãi. Không ngờ, họ lại “cùng cảnh ngộ”, nên câu chuyện cứ “dây cà ra dây muống”, biết bao bực dọc trong quá trình mua hàng khuyến mãi “mua 1 tặng 1” được dịp “xả” cho bằng hết.
Cuối cùng, chị Mai kể một “chiêu” khuyến mãi “tinh vi” nhất mà chị từng gặp. Đó là một lần nghe nói có một cửa hiệu đồ ăn nhanh khuyến mãi định kỳ hàng tuần, cũng “mua 1 tặng 1”, mà món quà tặng lại do khách tự chọn. Chị hào hứng chọn mua một chiếc pizza kèm một chai nước giá hơn 160.000 đồng. Nhân viên cửa hiệu đưa chị thực đơn, bảo chọn thêm một chiếc pizza khác tùy ý. Chị chọn ngay loại mà chị “khoái khẩu” nhất rồi ra bàn ngồi chờ. Mặc dù chờ hơi lâu, nhưng chị cũng sẵn lòng vì chắc mẩm phen này “lời to”, được dịp cho cả nhà ăn một trận no nê!
Cuối cùng, nhân viên cũng mang ra hai hộp carton đựng bên trong hai chiếc pizza nóng hổi. Chị vội vã mang về nhà với vẻ mặt hớn hở. Nhưng chưa kịp khoe “chiến tích”, thì chồng chị bỗng... cười phá lên: “Bánh gì mà mỏng như lá lúa thế này? Nhân cũng chỉ bằng một nửa so với thứ em vẫn thường mua. Bánh này có hai chiếc, chứ đến bốn chiếc cha con anh cũng “lủm” một miếng là hết!”. Chị bần thần nhìn hai chiếc bánh. Quả thực, bánh mỏng và “nghèo nàn” “quá cỡ thợ mộc”. Gộp hai chiếc lại, chưa chắc đã bằng một cái “ngày thường”.
Sau những chuyện như vậy, hai chị từ đó không còn “dũng khí” để đi săn hàng “mua 1 tặng 1” nữa!