Rượu ngâm chuột bao tử có thể lây dịch hạch

21/03/2016 - 16:28
Lương y Vũ Quốc Trung (phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội) khuyên, tốt nhất là không nên dùng loại đồ uống ngâm động vật này vì không thể kiểm soát được nguồn gốc của chuột.
Trên một số diễn đàn có nhiều nam giới tham gia, không ít mày râu ‘rỉ tai’ nhau về món rượu ngâm chuột bao tử, cho rằng đây là thức uống giúp nam giới tăng cường sinh lý, ‘yêu’ bền bỉ không biết mệt. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, từ lâu người châu Á đã có thói quen uống rượu được ngâm các loài động vật như gấu, tắc kè, rắn, còn chuột bao tử là "mốt" gần đây.
chuot.jpg
Theo chia sẻ trên mạng, loại chuột dùng để ngâm rượu phải là loại chuột non, tối đa chỉ là 3 ngày tuổi và tốt nhất là loại chuột mắt vẫn nhắm, được lấy thẳng từ bụng chuột mẹ khi vẫn còn sống, dùng rượu rửa sơ qua rồi cho vào bình rượu gạo để ngâm. Hiện nay, chuột ngâm rượu được nhiều người sử dụng là chuột bạch. Loại chuột này được rao bán khá nhiều trên mạng với giá từ 5.000đ-7.000đ/con.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sử dụng món ‘đặc sản’ này có thể khiến nam giới thêm bệnh. Nhiều người cho rằng chuột bao tử ngâm rượu là chuột bạch nên không lây truyền bệnh tật. Song thực tế nguồn gốc các loại chuột bao tử này rất khó kiểm chứng. Nếu chuột mẹ mang trong mình mầm bệnh, chúng có thể lây truyền cho con. Sử dụng loại chuột bao tử này, người dùng có nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm như dịch hạch, bệnh vàng da xuất huyết do Leptospira, sốt xuất huyết do Hantavirus...

Không riêng gì chuột bao tử, mà các loại bào thai hoặc con mới sinh của loài vật do đang trong thời kỳ phát triển nên cơ thể chứa lượng đạm rất cao, giàu sinh tố và khoáng chất. Dân gian thường dùng các ‘nguyên liệu’ này làm thuốc bổ khí, dưỡng huyết, chữa các chứng hư lao, suy nhược... Nhưng chưa thấy sách vở nào nói về việc chuột bao tử có tác dụng tăng cường sinh lý cho phái mạnh, mà chỉ xem đây là một món ăn bổ dưỡng.

Mặt khác, rượu dùng ngâm chuột thường là loại rượu có nồng độ tương đối cao. Do đó, những người có thể trạng nhiệt, đang có áp huyết cao, nhức đầu, người có bệnh về gan… không nên dùng. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc vì uống rượu ngâm các loại cây cỏ hoặc động vật như rượu ngâm hoa anh túc (hoa thuốc phiện), rượu rắn…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm