pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sa Thầy, Kon Tum: Phát huy tính tiên phong gương mẫu của người có uy tín, già làng
Người dân làng Ba Rgốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy với điệu múa xoang truyền thống
Tấm gương sáng trong chuyển đổi cây trồng
Là người có uy tín trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số (DTTS) nên tiếng nói của các già làng, trưởng bản luôn có sức nặng đối với bà con địa phương. Người có uy tín còn được coi là tấm gương mẫu mực để bà con noi theo. Chính vì thế, họ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đi vào cuộc sống, nhất là vận động dân làng phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Về xã Rờ Cơi, hỏi thăm người dân, ai cũng biết ông A Hiền là một trong những người có uy tín trong cộng đồng người Hà Lăng (nhánh của dân tộc Xơ Đăng ở thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi). Trước đây, ông A Hiền từng tham gia cách mạng năm 1960, sau đó trải qua nhiều đơn vị và vị trí công tác khác nhau. Trước khi về hưu, ông A Hiền là cán bộ của Công ty Cao su Kon Tum (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su Kon Tum).
Sau khi về hưu, để góp phần thực hiện chủ trương phát triển cây cao su tại địa phương, ông A Hiền bán 6 con bò và vay thêm vốn đầu tư trồng 4ha cao su tiểu điền. Người dân Hà Lăng trước đây chỉ quen với trỉa lúa, trồng mì, giờ thấy ông A Hiền chuyển đổi sang trồng cao su thì lạ lắm. Đến ngay cả cán bộ địa phương cũng chưa tin vào cách làm của ông.
Một thời gian sau, khi thấy cây cao su của gia đình ông A Hiền phát triển tốt, có thu nhập cao thì người dân trong xã mới mạnh dạn đầu tư phát triển cây cao su theo ông A Hiền. Cho đến nay, cây cao su (mà người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng là ông A Hiền) đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành một trong những cây chủ lực thay đổi cuộc sống của người dân. Và Rờ Kơi cũng trở thành xã trọng điểm của huyện Sa Thầy về phát triển cây cao su. Cây cao su giúp người dân đổi đời, nâng cao đời sống" - ông A Im, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Rờ Kơi khẳng định.
Theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Sa Thầy, thông qua việc phát huy vai trò người có uy tín, già làng trong công tác vận động, huyện Sa Thầy đã vận động được nhiều hộ dân hiến đất/chấp hành thu hồi đất để kịp thời triển khai các dự án; đồng thời đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế, nhất là phát triển diện tích cà phê, cao su, cải tạo vườn tạp sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác, cây lấy hạt (mắc ca). Theo đó, đến nay, toàn huyện Sa Thầy đã phát triển được 2.939 ha cà phê, 13.648,03 ha cao su, 2.043,52 ha cây ăn quả và 328,14 ha mắc ca…
Lan toả, trao truyền giá trị văn hoá của đồng bào
Không chỉ đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, các già làng, người có uy tín còn rất trăn trở, dành nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào.
Tiêu biểu như già làng A Thút (dân tộc Ba Na ở làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) có công lớn trong việc vận động dân làng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na. Với niềm đam mê văn hóa truyền thống, già làng A Thút đã dành nhiều công sức sưu tầm dân ca, sử thi, nghiên cứu, sáng tác các điệu chiêng, xoang, bài hát trên nền dân ca cũ.
Không để vốn văn hóa của dân tộc mai một, già làng A Thút luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tác các điệu chiêng, bài hát... trên nền dân ca cũ, ghi lại thành bài để lưu truyền. Già làng A Thút cùng đoàn cồng chiêng làng Đăk Wơk được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều nước mời biểu diễn cồng chiêng, hát kể sử thi.
Nói về bài chiêng, già làng A Thút có các bài "Vì rượu mất người yêu" hay các bài chiêng, điệu chiêng không lời được đặt tên "Con chim lợn", "Cô gái đi xách nước giọt", "Cùng em đi đến tận chân trời"... để dễ nhớ.
Về hát kể sử thi, già làng A Thút ghi lại và có thể hát kể "Giông bán nồi", "Giông ngủ trên mái nhà rông", "Bà Trai Trăng tạo dựng đất trời", "bà Kẻ Kol tạo ra mặt trăng, mặt trời"...
Già làng A Thút đã ghi lại các truyện cổ: "Ông Tang ăn mật ong", "Ngăn chia thịt", "Rít giả dạng"...; vừa sưu tầm, vừa sáng tác dựa trên làn điệu dân ca của dân tộc mình một số bài như: "Rủ nhau đi hái rau rừng", "Em vui giã gạo", "Lời ru em"...
Đối với xoang, già làng A Thút vừa sưu tầm, vừa sáng tác một số điệu xoang như: "Lễ hội ăn trâu", "Cô gái đi xách nước giọt", "Con chim lợn"...
Già làng A Thút tâm sự, vì văn hóa là nền tảng tinh thần, là hồn cốt của dân tộc nên ông luôn khao khát được truyền dạy để trao truyền giá trị văn hoá cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, được cấp ủy, chính quyền địa phương hoan nghênh và hỗ trợ, già làng A Thút đã mở được nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho dân làng Đăk Wơk, Kơ Tol ở xã Hơ Moong.
Ở làng Ba Rgốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, già làng A Sứp đồng thời cũng là nghệ nhân trực tiếp đứng lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ (độ tuổi từ 13-27) có năng khiếu, niềm đam mê và yêu thích văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Già làng A Sứp cho biết, mỗi khi tiếng cồng, tiếng chiêng ngân lên là âm thanh rộn ràng mời gọi dân làng đến với lễ hội, sự kiện trọng đại của làng. Những âm thanh này thể hiện tình yêu, niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp của dân làng.
"Khi còn sống, cha ông của tôi luôn dạy, hễ là đàn ông Gia Rai thì phải biết đánh cồng chiêng. Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Gia Rai mà các thế hệ đi trước đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Tôi chỉ mong, vốn quý của dân làng mình trường tồn cùng với thời gian. Chính vì thế, nhìn thế hệ con cháu đam mê với văn hóa dân gian, tôi mừng vui vô cùng vì làng Ba Rgốc đã có thế hệ tiếp nối để gìn giữ, phát huy kho báu văn hóa truyền thống của cha ông đã tạo dựng và để lại”- già làng A Sứp bày tỏ.
Còn ở làng Chốt, ở thị trấn Sa Thầy, chẳng người dân nào không biết đến nghệ nhân ưu tú A Huynh. Ông A Huynh là người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần phát triển và làm phong phú âm nhạc dân tộc Gia Rai. Không chỉ ở huyện mà nhiều người làm trong lĩnh vực văn hóa ở trong và ngoài tỉnh cũng biết ông qua những bộ đàn đá và nhiều loại nhạc cụ khác do ông dày công sưu tầm và chế tác.
Với sự yêu nghề và khả năng thiên phú, nghệ nhân A Huynh có thể truyền dạy nhiều loại nhạc cụ khác như cồng chiêng, đàn ting ning, đàn tơ rưng. Qua nghệ nhân A Huynh, nhiều loại nhạc cụ DTTS ở địa phương tiếp tục được giữ gìn và phát huy.
Trên toàn huyện Sa Thầy có 59 người có uy tín là đồng bào DTTS, trong đó có 24 người là già làng. Họ chính là lực lượng quan trọng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống của nhân dân ngày một văn minh, tiến bộ.