pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sách lậu, sách giả "triệt tiêu" động lực lao động tri thức sáng tạo
Lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả. Ảnh minh họa
Cay đắng nhìn tác phẩm của mình bị đánh cắp ngay trước mắt
Nạn ăn cắp bản quyền sách diễn ra không từ một ai, miễn là họ có sách hay, sách bán chạy thì đều bị đánh cắp một cách công khai, nhiều tác giả chỉ biết cay đắng nhìn những đứa con tinh thần của mình bị đánh cắp ngay trước mắt nhưng không thể làm gì để ngăn chặn.
Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Bích Lan, ở Hưng Hà, Thái Bình, là một ví dụ. Chị Bích Lan là nhà văn khá nổi tiếng, người đã vượt qua những nỗi đau bệnh tật để viết sách, dịch thuật. Vào năm 13 tuổi, trong một lần đang đi xe đạp trên đường, chị bị ngã xuống mương và phát hiện mình không thể tự đứng lên. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Bích Lan mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ, phải bỏ dở việc học hành khi mới lên lớp 8. Bích Lan đã tự học ngoại ngữ, trở thành dịch giả, hiện có 52 đầu sách dịch, 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Năm 2013, chị ra mắt tự truyện "Không gục ngã", nói về nỗ lực chiến thắng số phận, đây cũng là cuốn sách mà chị tâm huyết nhất và bán chạy nhất. Thế nhưng khi sách vừa ra mắt bạn đọc thì trên thị trường đã xuất hiện bản in lậu, in giả, thậm chí là cả bản đọc audio được lan truyền trên mạng xã hội.
Chị Bích Lan chia sẻ: “Thực sự là tôi rất sốc trước việc họ trắng trợn ăn cắp công sức lao động sáng tạo của mình, tôi là người khuyết tật luôn phải chiến đấu với bệnh nan y từ mấy chục năm nay. Để viết ra được những cuốn sách như vậy, tôi phải nỗ lực cố gắng gấp nhiều lần những người bình thường. Ngay cả việc đánh máy với tôi cũng rất khó khăn, khi tôi phải lần từng chữ một. Khi thấy tác phẩm của mình bị ăn cắp, tôi rất thất vọng và cảm giác bất lực với những kẻ làm sách lậu, sách giả, đi ngược giá trị chuẩn mực, đạo lý như vậy.
Tôi mong bạn đọc hay tẩy chay những cuốn sách giả, sách lậu để tạo điều kiện cho những tác giả chân chính có động lực để tiếp tục lao động sáng tạo cống hiến cho bạn đọc, cho nền văn hóa nước nhà”.
Còn nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: “Tôi là người khá thường xuyên bị người khác hoặc đơn vị xuất bản xâm phạm bản quyền, đôi khi chỉ là vài đoạn, lớn hơn là một tác phẩm và thậm chí nguyên cả một cuốn sách dày để in lậu bán ra thị trường. Mỗi giờ, mỗi ngày, câu chuyện xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra và ngày một thường xuyên hơn. Đây là hành vi phi văn hóa, không chỉ "ăn cắp trắng trợn" công sức sáng tạo của tác giả, mà tác phẩm gốc có thể không còn nguyên bản, bị sửa chữa, xuyên tạc, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của tác giả. Tác phẩm được ví như đứa con tinh thần của các tác giả, cũng phải thai nghén, mang nặng đẻ đau, chăm chút bằng đam mê tâm huyết, khi bị "xâm phạm", tôi cảm thấy nó như sự tấn công trực diện vào lòng tự trọng, tâm huyết của tác giả”.
Các chiêu trò ăn cắp tác phẩm hiện nay rất tinh vi, không chỉ dừng ở việc in lậu thông thường, các đối tượng trục lợi còn đăng tải tác phẩm ăn cắp lên các nền tảng mạng xã hội như youtube, sách điện tử để thu phí của người dùng và thu phí từ quảng cáo. Đáng nói, ở những nền tảng này, sức phổ biến và lan tỏa còn rộng rãi gấp nhiều lần so với việc in sách lậu, sách giả bán trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phước, người sáng lập Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News, cho biết: “Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các đối tượng trục lợi bằng hành vi ăn cắp bản quyền sách đã ứng dụng triệt để sức mạnh công nghệ, có những cuốn sách mới được xuất bản nhưng có thể chỉ sau một đêm, nó đã bị đánh cắp để đăng tải lên mạng và đương nhiên tính ưu việt của nó đến với người đọc sẽ mạnh hơn so với một cuốn sách in. Khi người đọc không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào mà vẫn có thể thưởng thức được tác phẩm hay, từ đó các đối tượng trục lợi thu lợi ích từ tiền quảng cáo do nhà mạng chi trả, còn những tác giả làm ra tác phẩm thì chẳng được gì”.
Sách lậu, sách giả tạo ra cái nhìn lệch lạc về giá trị văn hóa của sách và ngành xuất bản
Viết sách là công việc lao động sáng tạo đặc thù và khá nặng nhọc, bởi nó không 3chỉ dựa và tài năng mà đòi hỏi sự nghiên cứu và khổ luyện mỗi ngày. Thế nhưng trước vấn nạn sách lậu, sách giả tràn lan như hiện nay, những người lao động 2sáng tạo chân chính làm ra tác phẩm và bị ăn cắp một cách công khai, lợi ích từ các công trình, tác phẩm họ làm ra lại rơi vào túi những kẻ ăn cắp. Tình trạng đó khiến cho nhiều người mất hết động lực lao động sáng tạo, bởi lẽ thành quả của sự nhọc nhằn lao động cống hiến của họ cuối cùng lại rơi vào tay của những kẻ ăn cắp.
Nhà văn Nguyễn Bích Lan chia sẻ: “Tôi đã từng nhận được những thông tin phản hồi từ độc giả khi họ phê bình mình viết sách có nhiều lỗi sai, đến khi trao đổi lại với nhau mới vỡ lẽ họ mua phải sách in giả, không phải sách do nhà xuất bản phát hành. Điều đó cho thấy, những kẻ làm sách lậu, sách giả chỉ biết đến lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng, khi xảy ra sai sót thì lỗi lại thuộc về tác giả và những người đã bỏ công bỏ sức làm ra cuốn sách ấy, còn những kẻ ăn cắp thì chỉ hưởng lợi mà thôi”.
Nếu vấn nạn sách lậu, sách giả, ăn cắp bản quyền không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn môi trường lao động trong lĩnh vực tri thức sáng tạo cống hiến cho văn hóa nước nhà sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng - đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Mạnh Cường, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Cụ thể, ông Cường cho biết: “Mỗi tác giả viết sách đều dành rất nhiều tâm huyết, công sức và thời gian, có khi là nhiều năm mới hoàn thành một cuốn sách nhưng ngay sau khi xuất bản đã bị ăn cắp, bị làm giả, làm lậu để bán ra ngoài thị trường, như thế chẳng khác nào bị cướp đi thành quả lao động sáng tạo của họ. Điều đó có thể khiến họ thất vọng, mất cảm hứng lao động sáng tạo, ảnh hưởng đến cả quá trình làm việc về lâu về dài của họ. Thế nên, có thể nói, vấn nạn sách lậu, sách giả đang góp phần triệt tiêu động lực lao động tri thức sáng tạo cho nền văn hóa nước nhà”.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khóa XV - chia sẻ: “Thực trạng sách giả, sách lậu hoành hành trong nhiều năm qua là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến ngành xuất bản mà còn làm tổn hại đến đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta. Sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là phương tiện để kết nối con người với những giá trị văn hóa, lịch sử và nhân văn. Khi sách giả và sách lậu tràn lan không chỉ làm giảm giá trị của sách thật mà còn đẩy người sáng tạo nội dung, các nhà xuất bản và phát hành vào tình thế khó khăn. Những người làm sách đã dốc lòng sáng tạo, đầu tư công sức và tài chính nhưng thành quả của họ lại bị cướp đoạt một cách trắng trợn. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của công chúng đối với thị trường sách. Đọc một cuốn sách giả, sách lậu có chất lượng kém không chỉ làm mất đi trải nghiệm của người đọc mà còn tạo ra một cái nhìn lệch lạc về giá trị văn hóa của sách và ngành xuất bản Việt Nam.
Hơn thế, nó còn có thể làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng ta đang nỗ lực quảng bá hình ảnh một đất nước sáng tạo, văn minh, giàu bản sắc nhưng nếu không kiểm soát được tình trạng sách giả, sách lậu thì điều này có thể bị xem như một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng bản quyền. Vì vậy, tôi cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía chính quyền, cộng đồng và các cơ quan quản lý để xử lý dứt điểm vấn đề này. Một xã hội tôn trọng bản quyền và tri thức là nền tảng để phát triển bền vững".
Ông Nguyễn Văn Phước, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News: "Lâu nay, các cơ quan chức năng thường nhắc đến việc chấn hưng văn hóa. Tại buổi khai mạc “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc, thúc đẩy văn hóa đọc chính là tạo ra sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước. Tôi cho rằng muốn chấn hưng văn hóa, việc quan trọng phải dẹp bỏ vấn nạn sách giả, sách lậu đang tràn lan như hiện nay. Bởi khó có thể chấn hưng văn hóa trong khi hiện tượng ăn cắp bản quyền ấn phẩm văn hóa rồi làm sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường như hiện nay".