Sài Gòn chọn nhớ những điều thương

Minh Anh
01/01/2022 - 15:47
Sài Gòn chọn nhớ những điều thương

Cuốn sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"

Tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” là những ký ức được chia sẻ từ những người đã đi qua đại dịch, để từ đó yêu thương nhiều hơn…

Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Chưa có khi nào Sài Gòn im lìm như trong những tháng cao điểm dịch, và cũng chưa có khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại rực rỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Tập sách Sài Gòn chọn nhớ những điều thương không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về một thời kỳ chưa kịp xa, và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.

Sài Gòn chọn nhớ những điều thương có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới - cũng là cảm xúc của người dân TPHCM trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.

Trang trong cuốn sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"

Hình ảnh trong cuốn sách "Sài Gòn chọn nhớ những điều thương"

Là cuốn sách đầu tiên của NXB Trẻ phát hành toàn quốc trong năm mới 2022 (vào ngày 4/1), tập tản văn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương sẽ được đơn vị xuất bản đóng góp 100% lợi nhuận vào Quỹ Phòng, chống Covid-19. Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành cùng NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.

Một số trích đoạn trong tập sách "Sài Gòn gợi nhớ những điều thương":

"Có những người bạn, mà tôi biết rõ là không phải giàu có dư dả gì, vẫn sẵn lòng góp mười tấn gạo cho chúng tôi đi phát cho bà con. Có người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm ký rau xanh, mấy gói đồ khô…

Khi đi phát, tôi chứng kiến những người nhận quà tiếp tục san sẻ phần quà nhỏ nhoi đó cho những hàng xóm còn khó khăn hơn mình. Thấy thiệt sự chứ không phải "cảnh trên tivi". Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia, họ giàu nhơn ái.

Rồi chúng ta sẽ vượt qua những ngày này, và kể lại với con cháu, cách mà chúng ta đã vượt qua nó, không phải bằng thuốc hay vaccine, mà bằng cách chúng ta đã dìu nhau như thế nào, chúng ta đã chia sẻ với đồng bào ra sao, mỗi ngày. Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương. Sài Gòn đang đứng dậy, một sáng mai, sáu rưỡi, nhịp sống lại sôi réo khắp nơi".

Đàm Hà Phú

"Sài Gòn tang thương vì đại dịch khiến tôi nhận ra không phải chỉ những người nghèo khó là khốn khổ nhất trong đại dịch, những người nước ngoài sống cô độc tại Sài Gòn cũng có nỗi khổ riêng của mình. Cảm giác cô đơn, sợ hãi, nghĩ rằng mình có thể bị nhiễm và bỏ mạng tại xứ người trong khi gia đình ở quá xa khiến họ rất khủng hoảng".

Dương Thụy

"Cứ ngỡ đâu chỉ là một tuần hay mười ngày như bao lần. Nhưng rồi, một tuần lại một tuần nữa, thêm một tuần nữa... Phố vắng ban ngày đã đành còn có cả giờ giới nghiêm khi trời sụp tối... Lòng người hôm nào chỉ mong đừng bị ai quấy rầy kể cả những thanh âm chung quanh, giờ bỗng nhiên hoang mang vì có quá nhiều ngày im vắng.

Buổi sáng thức dậy, pha một tách café mà nghe rõ tiếng viên đá va vào thành ly khi khuấy chiếc muỗng. Cảm nhận được cả những sột soạt của trang sách khi mình lật sang. Không cần phải cố lắng nghe vẫn rất vang giọng trẻ con nhà bên cười đùa với ai đó..."

Nguyễn Phong Việt

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm