Sai lầm của nội tướng đảm đang

12/08/2015 - 13:35
Chị làm tất mọi việc trong nhà. Dạo gần đây chị đi công tác nhiều, chồng con ở nhà thường đói bụng, thậm chí ngây ngô đến mức xử lý nhầm cả đồ ăn của “cún”.

Đọc chủ đề hạnh phúc gia đình tuần này: “Khi vợ vắng nhà”, ThanhTâm bỗng nhớ đến một “đồng chí” là khách ruột của Thanh Tâm lâu nay. Người ấy tâm sự với Thanh Tâm rất nhiều chuyện, từ chuyện tình cảm vợ chồng, những điều thầm kín đến chuyện con cái, gia đình hai bên và nhiều nhất vẫn là chuyện công việc của chị ở công ty, những gian truân mà chị phải trải qua, những thành công mà chị đạt được.

Năm nay chị ấy đã bước sang tuổi 52. Chẳng biết do ảnh hưởng giáo dục từ người mẹ mang đủ chuẩn công dung ngôn hạnh hay vì trong gien của chị đã có sẵn những tố chất đó mà dù là người phụ nữ hiện đại, lại là xếp kha khá ở một công ty nhưng chị vẫn thuộc “tuýp phụ nữ cũ”. Hơn 20 năm làm vợ, làm mẹ và làm dâu, tiếng khen là chủ yếu. Bạn bè, người thân ai cũng nghĩ chị xứng đáng là mẫu hình phụ nữ để những người phụ nữ khác học tập…Tâm sự với Thanh Tâm, chị nói đã nhiều năm chị hài lòng với “thành tích” đó của mình, nhưng rồi qua thời gian chị dần nhận ra mình đã sai lầm lớn khi đã quá đảm đang quán xuyến mọi việc trong gia đình, từ nhỏ đến lớn, “tranh” hết phần chồng phần con.


 Ai cũng khen chị đảm nhưng chỉ có chị mới nhận ra sai lầm lớn của mình

Chị kể, từ lúc được đặt vào guồng lãnh đạo của công ty, chị đã tìm cách thu xếp việc nội trợ gia đình sao cho ổn thỏa bằng cách thuê người giúp việc thay mình làm nội trợ chứ không dồn việc gia đình vào cho chồng con. Chị nói vì các con chị cần được dành thời gian cho học tập. Còn người chồng, từ khi cưới nhau đến giờ, chưa bao giờ chị để anh phải vào bếp một lần, cùng lắm cũng chỉ là giúp chị khui chai rượu, thắp nến trên bàn ăn vào những dịp tiếp khách hay tổ chức lễ lạt… Chị đã mất cả tuần bổ túc cho cô bé giúp việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, cả cách nấu những món ăn quen thuộc ở nhà chị. Nhưng kết quả là chồng con chị la rầm rầm sau nhiều bữa cơm canh, thức ăn thừa mứa phải bỏ đi chỉ vì món ăn cô giúp việc nấu không sao ăn được. Nhìn bộ mặt thiểu não của chồng, của con, chị xót quá, đành cho cô giúp việc nghỉ, thuê người dọn dẹp nhà cửa theo giờ, còn cơm nước chị thu xếp quỹ thời gian quá eo hẹp của mình, gồng lên gánh vác.

Một lần, trước chuyến công tác 10 ngày, chị đi siêu thị mua sẵn thực phẩm, rau quả về tích chật tủ lạnh. Mỗi hộp thực phẩm chị còn cẩn thận ghi rõ và dán giấy bên ngoài: Thịt bò, thịt lợn, cá… sau khi đã rán, xào, kho tầu sẵn để chồng con chỉ cần bỏ vào lò vi sóng quay nóng lại trước khi ăn. Còn rau các loại chỉ việc luộc hay nấu canh thì chị tin cô con gái đang học lớp 12 đã biết làm. Vậy mà sự cố lại xẩy ra ở cái nồi cơm điện mà chị chủ quan nghĩ rằng không cần hướng dẫn dặn dò chồng con. Số là cái nồi cơm điện cũ đã được thay bằng cái nồi cơm điện của Nhật hãng nội địa mà một cô bạn vừa đi công tác ở Nhật về tặng. Cái nồi đó nấu cơm tạo cháy rất ngon nhưng khổ nỗi nó chỉ có tiếng Nhật ghi bên ngoài với trên chục nút bấm các chức năng. Kết quả là cả chồng và con gái chị loay loay cả hai bữa nấu cơm mà vẫn không được cơm ăn. Gạo trong nồi trương phềnh mà nước chỉ hơi âm ấm. Buổi tối, biết sự cố của cái nồi, nhưng lúc ấy chị cũng cuống lên không sao nhớ được vị trí nút nào là nút nấu cơm để miêu tả cho chồng. Chị đành động viên chồng con ra mua cơm bụi về ăn tạm. Lần sau, rút kinh nghiệm, chị phải kẻ vẽ sơ đồ, ghi vị trí nút bật nấu ra một tờ giấy khổ to cho chồng dễ nhận biết.

Sự cố cái nồi cơm tạm được khắc phục thì lần khác, chị chỉ mua được hai món thịt lợn và cá để chế biến món ăn sẵn cất vào tủ lạnh cho chồng con trước khi đi công tác nên nghĩ chẳng cần dán giấy ra ngoài vỏ hộp. Chị cũng không quên mua cả một kg thịt lợn chỗ bạc nhạc kho lên để chồng ở nhà cho hai “cún cưng”" ăn dần. Đợt ấy, con gái chị lại đi picnic do trường tổ chức. Kết quả hôm chị về, khay thịt kho tầu vẫn còn nguyên. Chị hỏi chồng sao ở nhà không lấy thịt ra ăn thì anh rất hồ hởi: “Em làm nhiều quá, anh mới ăn hết một hộp thôi”. Thì ra chồng chị đã ăn chung hết hộp thức ăn cùng với hai chú cún cưng!...


Kết quả của việc chiều chồng, làm hết phần chồng khiến chị cười ra nước mắt

            Kể ra câu chuyện này, Thanh Tâm hy vọng, những người vợ thay vì quá đảm đang, dành hết phần việc của chồng ở nhà cần có ứng xử ngược lại. Bản thân người chồng cũng đừng cho rằng việc bếp núc, nội trợ là việc của nữ nhi, còn mình đứng ngoài. Bởi như thế là thiếu bình đẳng nam nữ, là thiếu chia sẻ, thiếu đi tình yêu thương trách nhiệm đối với nhau, cũng là tự đẩy mình vào nỗi khổ không đáng có mỗi khi vợ vắng nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm