Sản phẩm an toàn từ mô hình Tổ hợp tác rau hữu cơ Trác Văn

13/04/2016 - 13:01
Mô hình Tổ hợp tác rau hữu cơ Trác Văn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) được Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Hà Nam hỗ trợ thành lập tháng 10 năm 2013 với 19 xã viên tham gia, quy mô sản xuất trên diện tích 1 ha.

Trong thời gian đầu triển khai thực hiện tổ hợp tác (THT) gặp không ít khó khăn do chuyển đổi từ canh tác độc canh theo phương pháp truyền thống sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ nên xã viên còn e ngại chưa nhiệt tình tham gia. Ban điều hành THT chưa có kinh nghiệm, đất canh tác phải được chuyển đổi trong một thời gian nhất định, bà con không có thu nhập, nguồn nước tưới không đảm bảo, giá thành sản phẩm rau hữu cơ cao hơn so với sản phẩm rau sản xuất theo phương pháp thông thường...  
Hội LHPN các cấp cùng sự chỉ đạo định hướng của cấp uỷ, chính quyền địa phương bằng những giải pháp cụ thể như tổ chức cho xã viên đi thăm quan đầu bờ; mời giảng viên của trường Cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc bộ về chuyển giao KHKT, tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ thuật sơ chế và đóng gói sản phẩm, hướng dẫn hệ thống giám sát, hoạt động liên nhóm theo tiêu chuẩn cho 100% xã viên THT; hỗ trợ xây nhà ủ phân, xây bể chứa nước, nhà ươm giống...

 Cánh đồn của Tổ hợp tác

Thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, thay đổi hành vi về thói quen canh tác độc canh theo phương pháp truyền thống sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Hơn thế nữa việc triển khai mô hình đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi và khí thế trong quá trình sản xuất. Có tác dụng cải thiện môi trường, hạn chế việc sử dụng hóa chất trong sản xuất; cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nâng cao sức khỏe của người dân, nâng cao thu nhập thực hiện một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để mô hình THT rau hữu cơ Trác văn duy trì hoạt động hiệu quả thì  quy trình chăm sóc và khâu lựa chọn giống là hết sức quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc, các xã viên tham gia THT phải thực hiện đúng quy trình làm đất sản xuất nông sản hữu cơ; trong quá trình trồng và chăm sóc không được sử dụng phân bón vô cơ cho cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc biến đổi zen…vv. Chỉ sử dụng thảo mộc tự chế để phun trừ sâu bệnh; trồng hoa dẫn dụ và dùng đèn để bắt sâu bệnh. Cây và hạt giống được mua ở địa chỉ tin cậy do giảng viên trường CĐ nông nghiệp & phát triển nông thôn Bắc bộ giới thiệu … Đây chính là những kỹ thuật để tạo nên nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Xã viên thu hoạch rau

Từ hiệu quả của mô hình THT sản xuất rau hữu cơ,  Hội LHPN tỉnh, huyện và cấp uỷ, chính quyền địa phương nhận thấy việc mở rộng diện tích canh tác theo phương pháp hữu cơ là hết sức cần thiết, do vậy đã chỉ đạo mở rộng diện tích canh tác lên 2ha với tổng số 29 xã viên tham gia.
Tuy nhiên, để hoạt động của THT rau hữu cơ phát triển bền vững và thu hút được nhiều hơn nữa xã viên tham gia rất cần có những giải pháp hỗ trợ phù hợp của các cấp, các ngành để chất lượng sản phẩm được đảm bảo, thị trường tiêu thụ được mở rộng…giúp cho xã viên yên tâm trong lao động sản xuất.
Riêng đối với những người trồng rau cũng phải năng động, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng, uy tín để ngày càng nhiều người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm an toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm