Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi siết chặt các quy định pháp lý liên quan tới việc quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm thay thế sữa mẹ để góp phần thúc đẩy các nỗ lực khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
|
Sữa mẹ giúp trẻ phát triển cơ thể và trí tuệ |
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), nhờ lợi ích lâu dài của sữa mẹ đối với sức khỏe, sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ nhỏ cũng như những lợi ích đối với người mẹ, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sau đó vẫn nên được duy trì song song với việc bổ sung các loại thức ăn dinh dưỡng hợp lý khác cho tới khi được ít nhất 2 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, cứ 3 trẻ thì chỉ có 1 trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu đời và con số này vẫn chưa hề được cải thiện trong 2 thập kỷ qua. Các quốc gia cũng đều nhất trí sẽ tăng số lượng này lên mức ít nhất là 50% nhưng những nỗ lực này đang có nguy cơ bị đe dọa khi ngành sản xuất thực phẩm bổ sung đang ngày càng phát triển. Nguy cơ này càng cao hơn khi các doanh nghiệp sữa trên toàn thế giới có doanh thu hàng năm lên tới 45 tỷ USD và dự kiến đến năm 2019 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.
WHO, UNICEF và Mạng lưới hành động quốc tế về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ (IBFAN) đều cho rằng tuy nhận thức về lợi ích to lớn của nguồn sữa mẹ đã được nâng cao đáng kể nhưng nhiều gia đình vẫn chọn lựa các loại sữa công thức để nuôi nấng trẻ thay vì sữa mẹ mà nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm này vẫn đang được quảng bá và bày bán tràn lan trên thị trường mà không có các biện pháp hạn chế có hiệu quả.
|
Ông Francesco Branca |
Theo ông Francesco Branca, người đứng đầu cơ quan phụ trách dinh dưỡng cho sức khỏe và phát triển của WHO, hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, các bà mẹ vẫn bị "bủa vây" bởi vô vàn nguồn thông tin không chính thống và không đúng sự thật về các sản phẩm dinh dưỡng, cũng như các kết luận thiếu cơ sở khoa học về các vấn đề sức khỏe. Chính những điều này khiến các bậc cha mẹ nhận thức chưa đẩy đủ và không đề cao nguồn sữa mẹ quý giá, khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi không được bú sữa mẹ đầy đủ.
Hiện trong số 194 quốc gia trên thế giới, có 135 quốc gia đã đưa ra một số quy định pháp lý chiếu theo các quy định quốc tế của WHO về việc quảng bá tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ, nhưng cũng chỉ có 39 quốc gia trong số này thực hiện đầy đủ tất cả những khuyến cáo của WHO, như cấm quảng cáo và phát dùng thử các sản phẩm thay thế sữa mẹ, cấm in những kết luận về sức khỏe và dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm hay yêu cầu các sản phẩm phải ghi rõ lợi ích tuyệt đối nổi trội của sữa mẹ so với các sản phẩm thay thế.