pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sản phụ 22 tuổi mang tam thai tự nhiên hiếm gặp
Sản phụ K. cùng chồng hạnh phúc khi đón 3 con chào đời an toàn, khỏe mạnh - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đây cũng là ca sinh ba tự nhiên đầu tiên, sản phụ mang tam thai trẻ tuổi nhất, ê-kíp mổ và chăm sóc lớn nhất từ trước tới nay tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc.
Theo đó, sản phụ là chị H.K (22 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bắt đầu thăm khám tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc vào tuần thai 22.
Trước đó, sản phụ có khám thai tại một phòng khám tư tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và được kết quả siêu âm thai đôi.
Tuy nhiên, sau đó, trong một lần đau bụng phải nhập viện tại một bệnh viện ở Đồng Nai thì kết quả siêu âm cho thấy chị K. mang tam thai. Bác sĩ tại bệnh viện này tư vấn sản phụ bỏ bớt một thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi và khuyên chị K. lên bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM để thăm khám.
Tại một bệnh viện ở TPHCM, chị K. cũng được tư vấn bỏ bớt một bé để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Tuy nhiên, chị K. quyết định giữ lại cả 3 bé.
Tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, chị K. được bác sĩ thăm khám, tư vấn giữ thai và theo dõi liên tục đến tuần thai 32.
Ca sinh cho sản phụ trẻ tuổi được chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị lẫn nhân viên y tế với 1 bác sĩ sản, 3 bác sĩ nhi, 3 nữ hộ sinh và ê-kíp mổ. Ngoài ra, còn có một đội ngũ nhân sự khác bao gồm 1 bác sĩ nhi và 3 điều dưỡng nhi cũng trong tư thế sẵn sàng tiếp sức tại khoa Hồi sức sơ sinh (NICU).
Đến ngày 31/7, sản phụ nhập viện khi đang ở tuần thai 32 trong tình trạng cổ tử cung ngắn, thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Ê-kíp mổ do bác sĩ Lê Văn Đức, Trưởng khoa Sản - Phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cùng 3 bác sĩ nhi, 3 nữ hộ sinh hỗ trợ đã tiến hành mổ bắt bé thành công. 3 bé (1 gái, 2 trai) lần lượt chào đời có cân nặng 1,54kg, 1,66 kg và 1,53kg.
Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội đồng kiêm Trưởng khoa Nhi Sơ sinh và Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, cho biết, tại phòng mổ, 3 bé sau khi chào đời ngay lập tức được hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP), được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ nhiệt và theo dõi SPO2 liên tục. Ngay tại phòng mổ, ê-kíp bác sĩ gồm 3 bác sĩ nhi được phân công túc trực liên tục các bé.
"Sau khi ổn định, 3 bé được chuyển về khoa hồi sức sơ sinh, cách phòng mổ chỉ vài bước di chuyển. Hiện tại, sức khỏe của 3 bé đã ổn định, tăng cân đều và có thể ngưng truyền dịch qua đường tiêu hóa trong 10 ngày tới", bác sĩ Phượng cho hay.
Cũng theo bác sĩ Phượng, sau sinh, cả 3 bé đã được tầm soát tim bẩm sinh, siêu âm não, võng mạc… May mắn 3 bé không có vấn đề về tim mạch, di chứng não.
Trong khi đó, BS Lê Văn Đức, Trưởng Khoa Sản - Phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, cho biết, đây là ca thứ 2 ông gặp trong 30 năm gắn bó với nghề y. "Đây là ca bệnh mà sản phụ đến bệnh viện thời gian trễ. Quyết định tư vấn để sản phụ bỏ 1 thai của các bệnh viện là chính xác vì như vậy sẽ trao cơ hội sống 2 hai thai còn lại nhiều hơn. Trong các trường hợp mang đa thai thì số lượng nhau cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. May mắn là sản phụ có 3 bánh nhau, 3 túi ối", bác sĩ Đức chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Đức, khi mang đa thai thì cả sản phụ và thai nhi đều đối mặt với nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ lớn nhất đối với trẻ là sinh non khiến trẻ nhẹ cân, các nguy cơ khác như bất sản, phổi, hen suyễn, mất khả năng nghe nhìn, suy dinh dưỡng trong tử cung, thai lưu, bất thường về tim, tiêu hóa. Nguy cơ đối với người mẹ là đái tháo đường, tiền sản giật…
"Với các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao như sản phụ K. thì việc phối hợp giữa các ê-kíp sản và nhi, đặc biệt là khoa Hồi sức sơ sinh là rất quan trọng. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể mang đến một dự hậu không tốt cho gia đình sản phụ", bác sĩ Đức nhấn mạnh.